Khám xét khẩn cấp nhà Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà

author 06:20 26/09/2012

(VietQ.vn) - Ngày 24 và ngày 25/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (công ty Hồng Hà - 109 đường Trường Chinh, Hà Nội), đồng thời đồng loạt khám xét nơi ở, nơi làm việc của Trần Ứng Thanh – Tổng giám đốc, Nguyễn Quốc Xương, Phó tổng giám đốc công ty Hồng Hà về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó theo cáo buộc của nhà chức trách, dù chưa được chính thức giao thực hiện dự án giãn dân phố cổ nhưng trong một thời gian dài, công ty Hồng Hà đã lừa dối hàng trăm khách hàng bán căn hộ bất hợp pháp tại dự án này, thu và chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tại thời điểm khám xét, Ban giám đốc công ty Hồng Hà đã bỏ trốn…

Sáng 25/9, có mặt tại trụ sở Công ty Hồng Hà, trong khi cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành khám xét tại phía trong trụ sở công ty thì bên ngoài cổng, hàng trăm khách hàng bức xúc “bao vây”, giăng băng rôn với nội dung yêu cầu công ty Hồng Hà trả lại tiền mà họ đã góp vốn mua căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ khu đô thị Việt Hưng.

Công an khám xét nơi làm việc của lãnh đạo Công ty Hồng Hà
Công an khám xét nơi làm việc của lãnh đạo Công ty Hồng Hà

Anh Bùi Hồng Sơn, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết, từ cuối năm 2010, thông qua  các  sàn giao dịch bất động sản, khách hàng được môi giới mua căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, tiền chênh lệch 800.000 đồng/m2 đến 2 triệu đồng/m2.

Khi giới thiệu, các sàn giao dịch bất động sản và phía đại diện công ty Hồng Hà đưa ra một số giấy tờ để chứng minh tính pháp lý của dự án như bản phôtô thiết kế dự án, các văn bản, quyết định của UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm, trong đó có Quyết định 1917/QĐ-UBND ngày 23/8/2010 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ

Trong hợp đồng, công ty Hồng Hà cam kết thời gian bàn giao nhà dự kiến từ 24-30 tháng kể từ ngày khởi công. Nếu trong quý II-2011 phía công ty Hồng Hà không tiến hành khởi công dự án thì bên góp vốn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời phía công ty sẽ hoàn lại số tiền đã góp cùng lãi suất là 3%.
    
Thế nhưng quá thời hạn trên, khách hàng tới kiểm tra, khu đất dự án vẫn chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm. Nhiều khách hàng sốt ruột đến công ty để hỏi thì bị từ chối không được gặp lãnh đạo với nhiều lý do. Sang năm 2012, khi thị trường nhà đất Hà Nội “đóng băng” mà dự án không có tiến triển, khách hàng sốt ruột muốn lấy lại tiền để đầu tư chỗ khác, nhưng đòi rất nhiều lần mà phía công ty Hồng Hà chỉ tìm cách khất lần, không trả lại tiền.

Khoảng 2 tuần trước, các ông Trần Ứng Thanh – Tổng giám đốc và Nguyễn Quốc Xương, Phó tổng giám đốc (người được ủy quyền ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng)  lặn mất tăm. Khách hàng gọi điện liên tục nhưng không liên lạc được.

Được biết cuối năm 2009, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã lập Dự án giãn dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Ngày 3-11-2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5587/QĐ-UBND về việc thu hồi 111.212m2 đất tại khu đô thị mới Việt Hưng giao UBND quận Hoàn Kiếm quản lý để chuẩn bị thực hiện dự án này.

Theo phê duyệt, giai đoạn I của dự án sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ dân trong phố cổ gồm các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học do quận quản lý, các công trình có nguy cơ sụp đổ, các khu vực cần GPMB và các hộ dân trong phố cổ tự nguyện di dời…

Ngày 5/11/2009, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định số 3465/QĐ-UBND do ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký, nội dung giao Công ty CP phát triển kinh tế Hà Nội (đơn vị thành viên của Công ty Hồng Hà) thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng dự án. Tuy nhiên đến ngày 12-7-2010, Công ty CP phát triển kinh tế Hà Nội có công văn gửi UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị cho thay đổi quyết định số 3465/QĐ-UBND giao lại cho công ty Hồng Hà thực hiện dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên bởi lý do  đây là một dự án lớn trong khi Công ty CP phát triển kinh tế Hà Nội chỉ là một công ty con của công ty Hồng Hà, mặt khác còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng…

Đến ngày 23/82010, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định số 1917/QĐ-UBND do ông Lâm Quốc Hùng, Phó CT UBND quận ký về việc giao công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ. Đồng thời UBND quận Hoàn Kiếm có công văn số 592/UBND-KT chấp thuận đề nghị của công ty Hồng Hà xin được hưởng một số ưu đãi trong dự án như công ty xin được mua 50 căn hộ chung cư để cải thiện điều kiện nhà ở của CBCNV và đồng ý về nguyên tắc cho công ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% căn hộ trên tổng dự án mà công ty bỏ vốn đầu tư.

Tuy nhiên, trong khi UBND quận Hoàn Kiếm chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án với công ty Hồng Hà do UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở giãn dân phố cổ thì đã xảy ra việc rao bán căn hộ tại dự án trên mạng internet và tại các sàn giao dịch bất động sản.

Sau khi phát hiện việc rao bán nhà trên, ngày 22/4/2011, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản số 295/UBND-KT gửi công ty Hồng Hà thông báo hủy công văn số 592 ngày 23/8/2010, đồng thời khẳng định mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng cũng như bán hoặc chuyển nhượng dự án này là trái quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thế nhưng theo tố cáo của khách hàng thì phía công ty Hồng Hà đã cố tình ém nhẹm thông tin, giấu văn bản số 295 nêu trên, tiếp tục sử dụng những văn bản cũ để lừa dối khách hàng, ký hợp đồng huy động vốn. Việc huy động vốn trái pháp luật này kéo dài từ tháng 4-2011 đến hết năm 2011. Do không biết việc hủy công văn số 592 nêu trên nên nhiều người đã đóng tiền cho công ty Hồng Hà. Ước tính đã có gần 200 người nộp tiền góp vốn với tổng số tiền khoảng gần 200 tỷ đồng.

Rất đông người dân đã bao vây trụ sở Công ty Hồng Hà để đòi quyền lợi
Rất đông người dân đã bao vây trụ sở Công ty Hồng Hà để đòi quyền lợi

Được biết trong số tiền này, phía công ty Hồng Hà đã chuyển cho một cá nhân là Nguyễn Đức Thắng ở A3 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội số tiền trên 70 tỷ đồng để “thực hiện dự án”. Đáng chú ý ông Thắng không phải là cán bộ của công ty Hồng Hà.

Trong tối 24/9, cùng với việc khám xét khẩn cấp nơi ở của các ông Trần Ứng Thanh – Tổng giám đốc, Nguyễn Đức Xương – Phó TGĐ công ty Hồng Hà thì cơ quan điều tra cũng đã thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Đức Thắng. Tuy nhiên tại thời điểm khám xét thì ông Thắng cũng… không có mặt tại nơi cư trú.

Theo những thông tin đã được đăng công khai trên một số tờ báo điện tử thì đến ngày 18/10/2011, công ty Hồng Hà đã có văn bản số 48/CVBC báo cáo UBND quận Hoàn Kiếm về khả năng tài chính. Theo đó, chấp hành yêu cầu của chủ đầu tư là UBND quận Hoàn Kiếm, công ty Hồng Hà đã chuẩn bị xong các điều kiện để triển khai, trong đó về tài chính đã có Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cam kết cung ứng toàn bộ vốn tín dụng để công ty thực hiện dự án. Ngoài ra công ty Hồng Hà cũng đã ký hợp đồng liên doanh với công ty tư vấn đầu tư lục địa (I.I.C Goup) với việc I.I.C Group góp 50 triệu USD cho dự án trong 3 năm.

Được biết qua thẩm định, Phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm xác định từ ngày 7/9/2009, Bộ Tài chính đã ra thông báo về việc Tập đoàn I.I.C Group sử dụng thông tin giả mạo về địa chỉ trụ sở tại Mỹ, đăng ký kinh doanh và năng lực tài chính. Cá nhân chủ tịch tập đoàn I.I.C Grroup là Lê Văn Triển có dấu hiệu lừa đảo ở Mỹ và Việt Nam. Phía Ngân hàng Vietinbank cũng chưa cấp tín dụng cho công ty Hồng Hà vì chưa đủ cơ sở pháp lý chứng minh công ty Hồng Hà là đơn vị được thi công dự án.

Như vậy, phía công ty Hồng Hà không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án nên đã dẫn đến việc lừa đảo huy động vốn trái pháp luật. Thế nhưng vì sao công ty này lại được UBND quận Hoàn Kiếm lựa chọn là đơn vị thi công một dự án quan trọng như vậy, là điều đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
 

Nguyễn Vũ
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang