Khẩn trương cứu vựa lúa lớn nhất Việt Nam

author 11:28 17/02/2016

(VietQ.vn) - 22% diện tích lúa của vựa lúa lớn nhất Việt Nam là vùng ĐBSCL dự báo sẽ bị nguy cơ xâm nhập mặn.

Hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng diện tích sản xuất lúa của vựa lúa lớn nhất Việt Nam

Hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng diện tích sản xuất lúa của vựa lúa lớn nhất Việt Nam

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vựa lúa lớn nhất Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), diện tích lúa vụ Đông xuân 2015-2016 có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng gần 440.000 ha, chiếm 35 % diện tích xuống giống của vùng ven biển. Nếu tính toàn vựa lúa lớn nhất Việt Nam thì số diện tích trên chiếm gần 22% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng.

Bộ NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 của 4 tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang.

Kết quả kiểm tra cho thấy diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016 bị hạn, mặn của 4 tỉnh là gần 60.000 ha. Trong đó diện tích lúa thiếu nước tưới hiện tại và trong các tháng tiếp theo lên tới hơn 58.000 ha.

Cụ thể, báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ rõ, diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016 bị hạn, mặn của 8 tỉnh ven biển từ nay đến cuối vụ sản xuất là hơn 94.000 ha.

Ngoài ra, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Nam Bộ đang diễn ra rất nghiêm trọng và ngày càng phức tạp.

Ngành nông nghiệp khẩn trương cứu lúa

Trong ngày 17/2, tại Cần Thơ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đang trực tiếp họp bàn với các địa phương đồng bằng sông Cửu Long về ứng phó với xâm nhập mặn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%. Do đó, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Như vậy, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.

Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50- 60km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016. Do đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Từ hiện trạng sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp nêu trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.

“Thời vụ lúa Hè thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5. Điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho Hè Thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có” – Cục Trồng trọt khuyến cáo.

Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, để hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán năm 2016, hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai ngay các giải pháp phòng, chống hạn hán đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh vụ Đông Xuân 2015-2016 và Hè Thu 2016.

Mở rộng phạm vi hỗ trợ kinh phí vượt định mức cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, các địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Hỗ trợ cho những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nguồn nước tưới. Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn ở những vùng bị hạn hán nặng. Hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa khẩn cấp các công trình cấp nước sạch, vận chuyển nước sinh hoạt, phục vụ người dân các vùng bị khô, hạn, thiếu nước sinh hoạt. Hỗ trợ kinh phí mua thức ăn, nước uống chăn nuôi cho vật nuôi ở những vùng khô hạn nặng.

Ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đang trực tiếp họp với các địa phương của vựa lúa lớn nhất Việt Nam bàn các biện pháp cấp bách chống hạn, mặn cho lúa và sản xuất nông nghiệp.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang