Khẩn trương rà soát việc xử phạt hàng hóa nhập khẩu chưa có nhãn phụ tiếng Việt

author 06:24 28/05/2020

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát việc xử phạt hàng hóa nhập khẩu chưa có nhãn phụ bằng tiếng Việt của ngành hải quan từ thời điểm Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa để có đề xuất biện pháp khắc phục.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội doanh nghiệp... đối với nội dung liên quan đến nhãn mác hàng hóa, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan cơ bản kế thừa quan điểm xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan; phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tuân thủ theo cam kết, dự thảo Nghị định thay thế sẽ bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế...

Nghị định thay thế sẽ sửa đổi, bổ sung một số hành vi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý của hải quan hiện nay thông qua việc nghiên cứu các vụ việc vướng mắc điển hình phát sinh trong thực tế; đồng thời loại bỏ những hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và không xảy ra trong thực tế.

Liên quan tới vấn đề trên, thời gian qua, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm không ghi nhãn phụ cho hàng hóa. Điển hình là vào ngày 14/5,Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 4, PA 05 - Công an thành phố Hà Nội và Đội An ninh kinh tế quận Đống Đa tiến hành kiểm tra và tạm giữ hàng trăm sản phẩm thẻ chống virus, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn có nhãn chữ nước ngoài không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Được biết, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 4, PA 05 - Công an thành phố Hà Nội và Đội An ninh kinh tế quận Đống Đa tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng TOKYO NHIM COSMESTIC kinh doanh hàng hóa thuộc hàng hóa phòng, chống dịch COVID-19 tại địa chỉ số 97 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.

Thời điểm kiểm tra tại Cửa hàng đang kinh doanh 320 chiếc thẻ chống virus nhãn có chữ nước ngoài; 90 chiếc khẩu trang nhãn có chữ nước ngoài; 149 lọ dung dịch sát khuẩn các loại nhãn có chữ nước ngoài. Toàn bộ hàng hóa đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không cùng lô cùng loại, không rõ chất lượng, không an toàn khi sử dụng. Chủ kinh doanh trình bày: Do nhu cầu của khách hàng, toàn bộ số hàng hóa trên mua gom trôi nổi trên thị trường về bán thêm kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không rõ chất lượng của sản phẩm. Đội QLTT số 4 cùng các lực lượng phối hợp đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Ảnh minh họa 

Ngày 20/5, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP. Hồ Chính Minh cũng cho biết đã phối hợp với Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an phường Tân Hưng Thuận, Quận 12 kiểm tra điểm kinh doanh do ông Trần Quang Thiện làm chủ kinh doanh, địa chỉ tại số 37F2 đường DD6, phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm kiểm tra, điểm kinh doanh này đang kinh doanh hàng hóa là sữa, bia các loại có thực hiện niêm yết giá bán theo quy định, hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Qua kiểm tra thực tế hàng hóa đang kinh doanh, Đoàn kiểm tra phát hiện 311 thùng tương đương 9.330 chai sữa Ensure loại 237ml/chai, 254 thùng tương đương 2.932 chai và 15 thùng trương đương 360 lon bia Heineken. Tổng số lượng sữa Ensure và bia Heineken là 459 thùng tương đương 12.622 đơn vị sản phẩm (chai, lon). Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết 365.220.000 đồng. Tất cả số hàng hóa này đều không ghi xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Ông Thiện trình bày đã kinh doanh mặt hàng bia, sữa tháng 01/2020 đến nay nhưng chưa làm giấy phép kinh doanh. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên được ông mua trôi nổi trên thị trường, do nước ngoài sản xuất (sữa Ensure là do Mỹ sản xuất; bia Heineken loại lon do Hà Lan sản xuất; bia Heineken loại chai do Pháp sản xuất) không có hóa đơn, chứng từ để kinh doanh, hàng hóa mới mua vào chưa bán được sản phẩm nào ra thị trường. Đoàn kiểm tra - Đội QLTT số 3 tiến hành lập biên bản, tạm giữ số lượng hàng hóa nêu để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Không ghi nhãn phụ theo quy định bị xử phạt thế nào?

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ngoài ra, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.

Theo Khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 3.000.000 đồng:

Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang