Bất ngờ phát hiện cá voi cổ đại chứa hóa thạch cá voi khác

author 15:20 13/06/2015

(VietQ.vn) - Các nhà khảo cổ học vừa khai quật hóa thạch hoàn chỉnh của một con cá voi Basilosaurus có niên đại 40 triệu năm tuổi. Bất ngờ, bên trong nó lại là một hóa thạch của một con cá voi nhỏ khác.

Sự kiện: Thiên nhiên kỳ thú

Tin tức trên báo điện tử Ngày Nay, các nhà khảo cổ học vừa khai quật hóa thạch hoàn chỉnh của một con cá voi cổ đại tại Thung lũng Cá voi ở Wadi al-Hitan, Ai Cập, bên trong là một con cá voi khác. Theo các nhà khảo cổ học, hóa thạch cá voi này là của một loài cá voi thuộc chi Basilosaurus, một chi cá voi sống từ 34 tới 40 triệu năm trước trong Thế Eocen muộn.

Theo Huffington Post, con Basilosaurus này dài khoảng 18,3 mét, trong khi con cá voi bên trong có kích thước chỉ bằng bào thai của loài này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng có khả năng đây chỉ là thức ăn của con Basilosaurus vì loài quái vật cổ đại này có thói quen ăn uống tương đối khác thường, chúng ăn cả những con cá voi khác. Chúng có bộ hàm mạnh đến mức có thể nhai nát đầu của bất kỳ con cá voi nào bất hạnh bơi gần miệng của nó.

Hóa thạch hoàn chỉnh của một con cá voi cổ đại được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Ai Cập. Ảnh Huffington Post

Hóa thạch hoàn chỉnh của một con cá voi cổ đại được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Ai Cập. Ảnh Huffington Post

Ghi nhận trên VnExpress, ngoài con cá bé, bên trong cá voi sát thủ Basilosaurus còn có cua và cá đao. Vì một lý do nào đó, con cá chết khi chưa tiêu hóa hết thức ăn và bị lũ cá mập xâu xé. Răng cá mập xuất hiện nhiều xung quanh bộ xương.

Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Khaled Fahmy cho biết đây là bộ xương hoàn chỉnh duy nhất của loài Basilosaurus trên thế giới, có cả đốt sống nhỏ nhất của đuôi. Hóa thạch trên được tìm thấy ở Wadi al-Hitan, sa mạc phía tây nam thủ đô Cairo.

Basilosaurus vẫn còn dấu vết chi sau của loài thú. Ảnh Karencarr

Basilosaurus vẫn còn dấu vết chi sau của loài thú. Ảnh Karencarr

Đây là di sản thế giới do UNESCO công nhận, còn có tên "Thung lũng cá voi" của Ai Cập. Nơi đây lưu dấu tích của phân bộ cá voi cổ Archaeoceti. Theo một báo cáo khoa học, thung lũng Wadi al-Hitan lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học vào năm 1902 và kể từ đó, 10 con cá voi hóa thạch đã được tìm thấy trong 'biển' hóa thạch cá voi.

Những hóa thạch này giải thích một trong những bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của cá voi: Sự xuất hiện của cá voi như một động vật biển có vú, tiến hóa dần lên từ loài động vật sống trên đất liền trước đó. Các bộ xương cá voi được tìm thấy tại đây là những cá thể phân bộ cá voi cổ trẻ nhất, ở giai đoạn tiến hóa cuối cùng có các chi sau dần tiêu biến. Các hóa thạch khác tại khu vực này cũng giúp các nhà khoa học dựng lại các điều kiện sinh thái và môi trường xung quanh thời đó.

Bích Phượng (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang