Khi cán bộ muốn thành tích, dân quyết bám trụ hộ nghèo...

author 06:48 13/10/2014

(VietQ.vn) - Trong khi có địa phương cán bộ muốn giữ thành tích không báo cáo đúng tỷ lệ thực, thì lại có những nơi người dân quyết tâm “bám trụ” không muốn thoát khỏi hộ nghèo…

Nhiều bất cập về thực trạng bình xét hộ nghèo  đã được gửi tới bà Phạm Thị Hải Chuyền (ảnh), Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH trog Chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời tối qua (12/10)

Mở đầu Chương trình, một người dân cho biết: “ Vviệc bình xét hộ nghèo của xóm tôi được thực hiện theo cách xoay vòng. Tức là nhà này được thì năm sau nhường nhà khác không kể gia đình có điều kiện thế nào. Người dân đặt câu hỏi: Làm sao lại có thể luân phiên, cào bằng như vậy trong khi một số hộ có của ăn của để lại được đưa vào hộ nghèo, trong khi nhà tôi là hộ nghèo thì có nhiều năm không được hưởng chế độ? Xin Bộ trưởng trả lời câu hỏi này của người dân?”
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, quy định về rà soát hộ nghèo có Quy định 21 của Bộ LĐ-TBXH nêu rõ từng cơ sở, thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó bình xét có sự tham gia của, cấp ủy, các tổ chức đoàn thể sau đó công khai.

“Nếu như đơn vị làm xoay vòng được xếp vào dạng hộ nghèo là hoàn toàn trái với quy định của Nhà nước, và tôi nghĩ rằng dứt khoát những trường hợp phải xem xét lại cho phù hợp’, nữ Bộ trưởng khẳng định..

Chưa dừng lại, một người dân khác chia sẻ: Cứ vào dịp tháng 10 hằng năm các thôn, làng, cụm dân cư chỗ tôi lại “chạy đua” trong cuộc rà soát bình xét hộ nghèo. Bên cạnh một số hộ không thể thoát nghèo, thì không ít hộ có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí còn thể hiện rõ quyết tâm “bám trụ” hộ nghèo để tiếp tục nhận ưu đãi của Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra: Bộ LĐ-TBXH có chính sách như thế nào để người dân nâng cao ý thức phấn đấu thoát nghèo, đồng thời có sinh kế để thoát nghèo bền vững?

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ LĐ-TBXH đã nhận được một số phản ánh tại một số địa phương về việc “chạy” hộ nghèo. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xem xét lại thực thế này, mà nguyên nhân trực tiếp là khi ở diện hộ nghèo thì được hỗ trợ chính sách miễn giảm học phí, nhà ở…Vì vậy, họ muốn ở lại diện hộ nghèo.

“Tôi cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ những người khó khăn làm cho họ chủ động vươn lên là chính, với 2 nhóm chính là hỗ trợ giúp vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hay cho vay cho con đi học thì sẽ tiếp tục được phát huy. Còn trong năm nay và năm 2015, các chính sách cho không trực tiếp sẽ dần phải giảm đi. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, tiêu chí về hộ nghèo tính trên phần thu nhập cũng sẽ không phù hợp. Vì vậy, Bộ LĐ-TBXH sẽ đề xuất với Chính phủ nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều và đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Về phía những người làm công tác xét chọn hộ nghèo,  một cán bộ xóm tại Nghệ An gửi thư về cho biết, xóm có hơn 100 hộ, phải có đến gần 40% thuộc diện hộ nghèo. Xóm có đưa vào danh sách nhưng xã không chấp thuận. Lúc đầu xã áp xuống số hộ nghèo là 11, sau nâng lên thành 13. Nghĩa là xã đặt chỉ tiêu 12% hộ nghèo, chứ dân nghèo nhiều quá lại ảnh hưởng đến thành tích. Bộ trưởng có cách nào để xử lý căn bệnh thành tích này để những người nghèo thực sự được hưởng chế độ của mình?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định cách làm như vậy là trái với chính sách tốt đẹp về người nghèo của Đảng và Nhà nước, vì bình xét là không vì thành tích, tỉ lệ mà phải thực chất trên thực tế số hộ nghèo đến đâu, như vậy tỉ lệ mà vị cán bộ nêu dứt khoát không được công nhận.

“Tôi đề nghị chính quyền cấp trực tiếp phải kiểm tra xem xét lại, nếu cần thiết phải hủy kết quả ấy vì dẫu có tỉ lệ lên 16,17% thực chất có những nơi lên đến 30-40% thì vẫn nằm trong diện nghèo và phân theo chuẩn nghèo của Nhà nước quy định.”, người đứng đầu ngành LĐ-TBXH nói.

 

Hạ Lan (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang