Khi Hà Nội "săn đầu người"

author 06:06 09/07/2013

Lại một lần nữa Hà Nội "trải thảm đỏ” mời người tài về. Còn nhớ, cách đây 10 năm, lãnh đạo Hà Nội cũng từng mời các thủ khoa tốt nghiệp đại học về làm việc, với nhiều ưu đãi. Nhưng, 10 năm, chỉ có 13 thủ khoa về được với Thủ đô. Quá ít!

Mà cũng không chỉ Hà Nội, "phong trào trải thảm đỏ” được nhiều địa phương triển khai. Trong đó, rõ nhất là Bình Dương và Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhưng, hoặc là do ưu đãi chưa đủ độ, hoặc là "ưu đãi lèo” theo kiểu nói vậy mà không phải vậy, nên rốt cục không đạt kết quả.
 
Thảm đỏ được trải ra khi đón các nguyên thủ, những nhân vật cực quan trọng; hoặc là những ngôi sao xuất sắc trong các liên hoan điện ảnh, ca nhạc... Thảm đỏ vì thế như một khái niệm biểu tượng tôn kính những người lừng lẫy. Thế rồi, một số chủ nhà bắt chước ốp đá granito màu đỏ giữa cầu thang như thể thảm đỏ, để tự thấy mình cũng sang đấy chứ. Nói vậy để thấy, khái niệm trải thảm đỏ để mời người về địa phương mình làm việc là một sự tôn trọng, tôn vinh đáng được ghi nhận.
 
Vấn đề là có phải "thảm đỏ” thật không hay lại là một con đường chông gai.
 
Hà Nội chào đón nhân tài.
Hà Nội chào đón nhân tài.
Sau nhiều phen nơi nọ nơi kia "trải thảm đỏ” bất thành, người ta ngộ ra rằng hình như đó chỉ là khát vọng của giới lãnh đạo mong người có năng lực làm việc; mà cũng có thể là "võ lãnh đạo” nhằm gây sức ép với đội ngũ. Bộ máy công chức, viên chức sau bao nhiêu lần dự định, sau bao nhiêu lần quyết tâm tinh giản nhưng kết lại vẫn âm thầm phình ra. Người ta thống kê rằng, có đến 30% CCVC ngồi chơi xơi nước, không có họ cũng không sao mà có họ thì chỉ tốn tiền trả lương, lại phải suốt ngày giải quyết những lườm nguýt, kiện tụng không đâu vào đâu - vốn là việc của những kẻ rỗi việc.
 
Nhưng quan trọng hơn, chính 30% "người thừa” kia lại chiếm mất chỗ của những người có năng lực. Trước khi "trải thảm đỏ” mời người có năng lực về làm việc, thiết nghĩ phải giải quyết được "tồn kho nhân lực” 30% kia. Nếu không, người tài có về thì cũng bị 30% số người ăn không ngồi rồi tìm cách hãm hại, cho đến bật bãi mới thôi.
 
Nhân câu chuyện "trải thảm đỏ”, lại nghĩ về những chiến dịch "săn đầu người” của nhiều tập đoàn. Họ không quá lệ thuộc vào quy trình, nhân thân, bằng cấp..., mà là nhìn vào hiệu quả công việc anh đã từng đạt được; cùng đó là ý tưởng, là giải pháp hợp lý, lộ trình anh ta đặt ra để đạt được mục đích. Khi mà còn quá loay hoay thế nào là người tài, thuyết phục những người liên quan để tìm sự đồng thuận..., thì thảm đỏ sẽ vắng bóng người; nói dại, có khi không phải người tài bước lên mà lại là cách để "người của mình” tiến bước.
 
Kết lại, xin dẫn ra chỉ thị "Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20-11-1946, để cùng suy nghĩ trước khi "trải thảm đỏ cầu hiền”. Chỉ thị như sau: 
 
"Nước nhà cần được kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào ta chắc không thiếu người tài đức.
 
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
 
Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
 
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở.
 
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
 
Như vậy, Bác Hồ lưu ý rằng người hiền tài phải được giới thiệu, chứ không phải là tự vỗ ngực xưng tên. Có như vậy, những bước chân bước lên thảm đỏ mới thật sự xứng đáng, không làm vỡ mộng cho cả hai bên.
 
Theo Đại Đoàn kết
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang