Khi kình ngư Michael Phelps cũng nhờ cậy… giác hơi

author 19:17 09/08/2016

(VietQ.vn) - Các fan hâm mộ thể thao chắc không ít lần ngỡ ngàng nhìn cơ bắp cuồn cuộn của vận động viên Olympic có đầy dấu giác hơi.

Ngay cả tay bơi lừng danh người Mỹ Michael Phelps cũng mê món giác hơi. Ngoài vận động viên bơi lội, vận động viên thể dục, đặc biệt là thành viên đội thể thao Mỹ,  cũng có sở thích này.

Michael Phelps với những dấu giác hơi trên người tại bễ bơi tranh tài nội dung nội dung tiếp sức tự do nam 4x100m. 

Người dân một số nước châu Á như Việt Nam không xa lạ với giác hơi. Đây được xem là một dạng châm cứu, thực hiện bằng cách dùng lửa làm nóng bên trong chiếc cốc thủy tinh rồi úp lên cơ thể để cốc hút chặt vào.

Khi cốc hút vào, da bị kéo căng, thúc đẩy máu lưu thông và để lại những dấu tròn màu đỏ trên người, phải mất 3 – 4 ngày mới mất đi.

Theo các vận động viên, giác hơi có tác dụng làm giảm đau nhức, giúp cơ thể hồi phục nhanh sau khi thi đấu hoặc tập  luyện căng thẳng.

Có nhiều hình thức khác tạo ra điều này, như xoa bóp thể thao, xông hơi, tắm đá và mặc quần áo bó người. Tuy nhiên, khi trả lời tờ USA Today, vận động viên thể dục Mỹ Alex Naddour cho rằng “giác hơi là cách giảm đau nhức đáng đồng tiền bát gạo nhất”.

“Trong năm nay tôi áp dụng nó suốt, nhờ thế mà tôi khỏe mạnh. Nó giúp tôi giảm đau rất nhiều”, Naddour nói.

Đội trưởng của Naddour, Chris Brooks còn cho rằng nhiều thành viên trong nhóm còn biết “tự giác hơi”, nghĩa là dùng chiếc cốc có bơm hút chân không thay vì dùng lửa.

Thật ra giác hơi đã có hàng ngàn năm ở Á Đông, nhưng phương pháp này chỉ được phương Tây biết đến nhiều nhất vào năm 2004 khi diễn viên người Mỹ Gwyneth Paltrow xuất hiện trên phim với những dấu tròn màu đỏ trên da. Sau đó một số ngôi sao cũng bắt chước, trong đó có Victoria Beckham và Jennifer Aniston.

Trong thể thao, giác hơi được vận động viên sử dụng ngày càng nhiều trong một thập kỷ trở lại đây. Tại Olympic Bắc Kinh, tay bơi trẻ người Trung Quốc Wang Qun là một điển hình.

Từ đó, Floyd Mayweather, Andy Murray, Amir Khan, và mới nhất là các vận động viên tranh tài tại Olympic Rio nhờ cậy đến giác hơi.

Tuy nhiên, bất chấp niềm tin của người sử dụng giác hơi cho rằng nó giúp tăng lượng máu, giảm đau, mau hồi phục cơ bắp, giới khoa học chẳng mấy người tin tưởng.

Edzard Ernst, giáo sư Khoa Y học bổ sung của đại học Exeter nói với hãng tin BBC rằng chẳng có bằng chứng khoa học về tác dụng của giác hơi. Ông nói: “Giác hơi có vẻ an toàn, nhưng không có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy phương pháp này hiệu quả”.

Tương tự, David Colquhoun, giáo sư dược khoa của đại học London nói với báo Independent: “Không có bằng chứng khoa học nào phía sau giác hơi. Đâu đó có một mối liên hệ mơ hồ về cơ chế với châm cứu, nhưng người cổ xúy giác hơi cũng là người quan tâm đến châm cứu. Chỉ có dân kinh doanh mới ca tụng giác hơi”.

Khi được hỏi liệu vận động viên dùng giác hơi có mang lại bất kỳ ưu thế nào so với đối thủ khi tranh tài hay không, Colquhoun nói: “Chưa chắc. Cần lưu ý là người dùng giác hơi có một bất lợi nhỏ là mất thời gian để làm chuyện này”.

Đúng sai thế nào từ từ biết, nhưng có một điều chắc chắn là Michael Phelps, “đệ tử trung thành” của giác hơi vừa giành được huy chương vàng Olympic thứ 19 trong sự nghiệp.

Thành tích mới nhất của anh tại Rio là cùng đội tuyển Mỹ giành huy chương vàng nội dung tiếp sức tự do nam 4x100m.

Châu Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang