Khi nào công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ?

author 06:46 09/09/2020

(VietQ.vn) - Theo dự kiến, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được công bố vào thời điểm tháng 11/2020.

Tại cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ mới đây, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, theo kế hoạch, các thành viên Tổ biên tập thuộc Bộ KH&CN, Bộ VHTT&DL và Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì nghiên cứu, soạn thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước tương ứng của mình về quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan; quyền đối với giống cây trồng.

Riêng đối với các phần có sự giao thoa của ba lĩnh vực (bao gồm Phần Quy định chung và Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ), Bộ KH&CN sẽ chủ trì, các Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp nghiên cứu, soạn thảo nội dung. Các bộ, ngành khác tùy thuộc phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình sẽ đóng vai trò phối hợp soạn thảo hoặc tham gia ý kiến đối với từng nội dung soạn thảo.

Về tiến độ xây dựng, các thành viên cũng đã trao đổi và thống nhất về việc để kịp thời hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ trong tháng 6/2021 theo phân công nhiệm vụ cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 11/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, để bảo đảm tuân thủ quy trình xây dựng luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật cần nhanh chóng hoàn thiện để có thể công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các cơ quan chủ trì trong tháng 11/2020 để lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là ý kiến của các doanh nghiệp và các tổ chức chịu tác động trực tiếp của việc sửa đổi luật trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định (dự kiến vào tháng 4/2021) và trình Chính phủ.

Quang cảnh buổi họp 

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đánh giá cao việc Tổ biên tập dự án Luật đã chú trọng mời các cơ quan có liên quan tham dự ngay từ khâu soạn thảo nội dung dự thảo Luật để đảm bảo các điều luật bám sát nhu cầu của cuộc sống cũng như bảo đảm tính khả thi.

Kết thúc cuộc họp, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này dựa trên ba trụ cột cơ bản, đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế một cách phù hợp và có hiệu quả; và giải quyết các bất cập gây cản trở sự phát triển trong thực tiễn thi hành Luật.

Tuy nhiên, do Luật Sở hữu trí tuệ có đặc thù bao gồm ba nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ba Bộ khác nhau, đồng thời có tác động đến nhiều bộ, ngành khác, do vậy, để đảm bảo mục tiêu đề ra, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hình thức phối hợp đa dạng, linh hoạt, nâng cao tinh thần chủ động trong phối hợp giữa các thành viên Tổ biên tập là đại diện của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng dự án Luật theo kế hoạch đã đề ra.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang