Khi nào Hà Nội sẽ xử lý xong các công trình vi phạm PCCC?

authorXuân Hân 11:48 15/06/2018

(VietQ.vn) - Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố sẽ xử lý và giải quyết xong các dự án, công trình còn tồn tại, vi phạm PCCC, không để phát sinh công trình vi phạm mới.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số: 2880/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020.

Nội dung của đề án này, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, xử lý và giải quyết xong các dự án, công trình còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không để phát sinh công trình vi phạm mới; nâng cấp, cải tạo hạ tầng cơ sở, giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc cơ bản đáp ứng công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

 Tòa nhà Fodacon do Công ty CP Đầu tư XD Fodacon làm chủ đầu tư, một trong những đơn vị nằm trong "sổ đen" về vi phạm PCCC (ảnh X.H).

Theo yêu cầu của đề án,100% các dự án công trình nhà cao tầng mới, phải thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi cấp phép xây dựng, thi công công trình theo đúng quy định. Đối với các công trình nhà, chung cư cao tầng đang thi công nhưng chưa thẩm duyệt về thiết kế PCCC, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay hoạt động xây dựng để thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện ngay các kiến nghị về PCCC theo hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Tổ chức nghiệm thu về PCCC theo quy định…

Đề án cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2018, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng 100% các trụ nước, bến lấy nước, hố ga thu nước phục vụ chữa cháy hiện có. Xây dựng, lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy, bến lấy nước, hố ga thu nước tại các tuyến đường, phố, khu dân cư, khu công nghiệp, đô thị.

 Tập đoàn Mường Thanh thường xuyên bị "điểm mặt chỉ tên" về an toàn PCCC. Ảnh Lê Hiếu

Do vậy, các cơ quan hữu quan và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ để thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm ngay trong quá trình đầu tư xây dựng, giải quyết những tôn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng, giao thông, nguồn nước, tài chính... Tham mưu, báo cáo UBND Thành phố về thực trạng toàn diện công tác PCCC nhà, chung cư cao tầng, các giải pháp, biện pháp kiên quyết để khắc phục tồn tại, vướng mắc.

Trước đó, ngày 23/5 cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã công bố danh sách 91 công trình, nhà cao tầng vi phạm về công tác PCCC. Mới đây, ngày 12/6 đơn vị này lại tiếp tục công bố (đợt 2) danh sách 108 cơ sở, công trình nhà cao tầng tồn tại vi phạm về PCCC.

Trong “sổ đen” liệt kê các đơn vị vi phạm đợt này, có 49 nhà chung cư cao tầng, 36 trụ sở làm việc của các doanh nghiệp và cơ quan ban ngành, 19 khách sạn và 4 cơ sở giáo dục được nhắc đến.

Xuân Hân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang