Thương nhân Trung Quốc đổ về hội chợ Vietfish gom thủy sản

author 07:12 05/08/2016

(VietQ.vn) - Hội chợ thủy sản Vietfish năm nay ghi nhận một lượng lớn thương nhân Trung Quốc đổ về.

Mỗi năm một lần, hội chợ triển lãm Quốc tế thủy sản Việt Nam (Vietfish) được tổ chức để doanh nghiệp đón tiếp khách hàng trên khắp thế giới.

Những năm trước, khách hàng tới Vietfish đa phần là những ông Tây, bà Tây to cao lực lưỡng với đủ màu da, sắc tộc, từ người Mỹ, EU, Nga đến Trung Đông, châu Mỹ…

Tuy nhiên, những ai thường đi hội chợ Vietfish, nếu tinh ý một chút sẽ thấy thành phần khách hàng đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ.

Người Tây ngày càng ít đi, thay vào đó là từng đoàn thương nhân châu Á, với bộ dạng như đi du lịch. Họ đeo túi xách, tay cầm máy ảnh, điện thoại chụp lia lịa và điều đặc biệt là họ nói tiếng Trung Quốc chứ ít khi nói tiếng Anh.

Nhiều công ty Việt Nam thừa nhận họ cũng bất ngờ về điều này vì không chuẩn bị người phiên dịch tiếng Trung Quốc…

8 giờ sáng 3/8, Vietfish 2016 khai mạc ở Trung tâm Hội nghị Triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là năm thứ 17 diễn ra Vietfish.

Năm nay, Vietfish được nhà tổ chức gửi gắm thông điệp “Asia Home Seafood - Ngôi nhà thủy sản Á châu”, quy tụ tới 200 doanh nghiệp trong, ngoài nước với 350 gian hàng.

Điều đặc biệt của Vietfish năm nay, không phải là sự tăng thêm số lượng các doanh nghiệp, hay gian hàng được thiết kế “Tây” hơn, có nhiều sản phẩm mới có gia trị gia tăng cao hơn…mà nằm ở chổ thành phần khách hàng tới hội chợ.

Quan sát kỹ, lấn át các nhà nhập khẩu truyền thống đến từ EU, Mỹ, Nga…, thay vào đó là lượng thương nhân Trung Quốc đến hội chợ đông như đi…trẩy hội. Từ sảnh chính cho đến sảnh phụ, hay khu vực phía ngoài bãi đổ xe, đi đến đâu cũng bắt gặp thương nhân Trung Quốc thoải mái dạo bộ, cười nói rôm rả.

Hội chợ thủy sản Vietfish năm nay ghi nhận một lượng lớn thương nhân Trung Quốc đổ về. 

Trong lúc chờ ban tổ chức làm thủ tục khai mạc, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp ghé quán cà phê ở sảnh sau SECC. Vừa bước vào, đập vào mắt là thương nhân Trung Quốc ngồi chật hết các bàn. Họ hồn nhiên cười đùa, chỉ trỏ, nói tiếng Trung Quốc.

Hết lượt này đến lượt khác ra vào quán, họ uống cà phê, ăn bánh bao, hủ tiếu và…trả bằng tiền Việt. Nhìn ra phía ngoài bãi đỗ xa, từng tốp taxi, xe hơi, xe du lịch liên tục trờ tới. Mở cửa xe bước xuống cũng là mấy ông thương nhân da trắng nói tiếng Trung.

Ghé tai anh bạn đi cùng, tôi thốt lên: chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao Trung Quốc đến Vietfish kinh quá vậy?. Anh bạn nói nhỏ: có thể họ đi du lịch rồi tiện thể vào chơi thôi!

Anh bạn đi cùng nhận định sai. Thương nhân Trung Quốc đến hội chợ thủy sản không phải để chơi. Họ vào tất cả các gian hàng thủy sản của Việt Nam để hỏi thông tin về sản phẩm. Cá tra, tôm sú, cá ngừ là ba loại thủy hải sản được quan tâm nhiều nhất.

Đứng ở gian hàng của Công ty TNHH Vạn Đạt chừng 10 phút mà có đến 6 đoàn thương nhân Trung Quốc ghé vào hỏi han thông tin.

Thông tin họ lưu tâm nhiều nhất là tiêu chuẩn cá tra được nuôi như thế nào, có các giấy chứng nhận gì? Nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn nào, phương thức bán hàng ra sao, năng lực cung cấp hàng của doanh nghiệp đến đâu?

Trong ngành cá tra, Vạn Đạt là doanh nghiệp đứng tốp đầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp cá tra khác cũng được thương nhân Trung Quốc quan tâm nhiều là Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Trường Giang. Con tôm thì có Minh Phú, còn hải sản thì có Hải Nam.

Cũng có người nhìn nhận sự xuất hiện áp đảo của thương nhân Trung Quốc ở Vietfish năm nay là điều bất thường, không tốt cho ngành thủy sản. Có người cho là bình thường, thậm chí có lợi vì dù sao nông dân, doanh nghiệp cũng cần thị trường để bán hàng.

Dù nhận định ở khía cạnh nào đi  nữa thì cũng phải chấp nhận thực tế Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu thủy hản sản thực thụ.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên doanh nghiệp Việt cũng dành sự quan tâm đặc biệt dành cho thương nhân Trung Quốc.

Số liệu cho thấy 6 tháng đầu 2016, ngành thủy sản xuất khẩu được 3,15 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ thì Trung Quốc đóng góp 384 triệu USD, tăng tới 43%.

Hầu hết các sản phẩm chủ lực xuất sang Trung Quốc đều tăng mạnh, trong đó cá tra tăng gần 67%, tôm 42%, cá ngừ 108%. Từ chỗ đứng giữa danh sách gần 200 quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam, Trung Quốc vươn lên đứng thừ 4 sau Mỹ, EU và Nhật.

Ông Trần Thiện Hải, nguyên Chủ tịch VASEP nhìn nhận việc có nhiều thương nhân Trung Quốc tới Vietfish là dấu hiệu tốt cho ngành thủy sản.

Theo ông Hải, các khách hành châu Âu, Mỹ, Nga hay các khu vực ở xa, trước đây họ lui tới Vietfish là vì chưa nắm hết được thông tin của đối tác.

Vài năm trở lại đây, các phương tiện trao đổi điện tử thuận lợi hơn nhiều, tiết kiệm hơn nhiều, cộng với việc có nhà nhập khẩu mở văn phòng Việt Nam và họ nhập hàng chủ yếu thông qua trao đổi bằng email hay ủy quyền cho văn phòng đại diện chứ ít khi tới hội chợ làm chi cho tốn kém. Chỉ có những khách hàng gần ở châu Á, trong đó có Trung Quốc là sang nhiều vì họ ở gần Việt Nam.

Đánh giá về thương lái Trung Quốc, ông Trần Thiện Hải cũng cho rằng đây là thị trường gần Việt Nam, có nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản rất lớn, nếu khai thác tốt sẽ mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu.

"Trước đây, chúng ta vẫn quan niệm Trung Quốc ăn sản phẩm bình dân, rẻ tiền nên chưa chú trọng tiếp thị để khai thác có hiệu quả. Người Trung Quốc ăn hàng giá rẻ chỉ đúng một phần, tập trung ở các vùng nông thôn, các khu vực giáp ranh với biên giới Việt Nam, có kinh tế chưa phát triển, thu nhập thấp. Còn đi sâu vào khu trung tâm ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân, Trùng Khánh…, nơi tập trung giới nhà giàu thì họ ăn hàng cao cấp, sẳn sàng trả giá cao", ông Hải lý giải.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra từng kể có lần được khách hàng Trung Quốc đưa vào các nhà hàng sang ở Bắc Kinh.

Qua quan sát ông thấy tất cả các nhà hàng đều có bán cá tra Việt Nam. Thực đơn gồm 6-12 món tùy từng bàn nhưng ít nhất cũng phải có một món cá tra.

Một đĩa cá tra cắt khoanh có 12 miếng, trọng lượng 30 gram xếp tròn vo, lọt thỏm vào trong lòng cái đĩa, đổ thêm ít nước xốt lên bề mặt, chung quanh “đệm” thêm mấy cọng rau cải ngọt xào có giá tương đương…8 USD.

Tính ra, giá thành đĩa cá tra này chưa đến…20.000 đồng, nhưng được bán với giá khoảng 170.000 đồng.

Thị trường Trung Quốc đang nhập khẩu đa dạng sản phẩm cá tra Việt Nam, nhưng vị giám đốc trên khẳng định họ không hề ăn cá kém chất lượng như thông tin lâu nay vẫn đồn đoán.

Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả tiền cao để ăn cá tra chất lượng, không quay tăng trọng. Cá tra đang được đánh giá rất tốt tại thị trường này, trong thực đơn ở hệ thống nhà hàng cao cấp chứ không phải bán ở chợ lẻ, chợ quê cho dân nghèo ăn như lầu nay chúng ta vẫn nghĩ.

Ông Trần Thiện Hải cũng nói thông qua hội chợ này thì doanh nghiệp sẽ có đánh giá sát hơn về nhu cầu ở thị trường Trung Quốc để đưa ra chiến lược tiếp cận phù hợp.

Vấn đề là doanh nghiệp cần phải tính táo, tránh bỏ trứng vào một rổ như từng xảy ra với cao su, trái cây hay gần đây là gạo.

“Tôi nghĩ bán ở đâu cũng vậy, cũng cần phải theo chuẩn quốc tế. Thực tế thì doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng tốt tiêu chuẩn quốc tế nên chúng ta phải đi theo hướng này chứ không nên chạy theo nhu cầu tức thời của một số nhà nhập khẩu cần giá rẻ, chất lượng thấp”, ông Hải nói thêm.

Minh Khoa

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang