World Bank: Việt Nam khó đạt mục tiêu còn 15-17 ngân hàng năm 2017

author 06:55 12/04/2016

(VietQ.vn) - Việt Nam vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ cần hợp nhất, nhưng không chỉ ở hạ nhanh số lượng, mà hợp nhất còn phải là một quy trình chặt chẽ, phù hợp.

Việt Nam vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ cần hợp nhất. Tuy nhiên, việc hợp nhất không chỉ ở việc hạ nhanh số lượng ngân hàng, mà cần thực hiện với một quy trình chặt chẽ, phù hợp.

Tại buổi công bố báo cáo cập nhật về tình hình Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh, sau quá trình sáp nhập, cơ cấu ngành ngân hàng, Việt Nam có khoảng 34 ngân hàng thương mại, TTXVN đưa tin. 

Quang cảnh buổi công bố báo cáo cập nhật về tình hình Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Ảnh: BNEWS/TTXVNQuang cảnh buổi công bố báo cáo cập nhật về tình hình Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Hiện Việt Nam vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ cần hợp nhất. Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan khẳng định, việc hợp nhất không chỉ ở việc hạ nhanh số lượng ngân hàng, mà cần thực hiện với một quy trình chặt chẽ, phù hợp. Theo đánh giá của WB, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ nhất định, thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập, nhưng vẫn khó có thể đạt được mục tiêu đề ra là giảm xuống còn 15 – 17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số 34 ngân hàng hiện nay.

Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tuy đã giảm xuống còn mức 3% tổng giá trị các món vay. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Các ngân hàng bị yêu cầu trích dự phòng dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn. 

Theo ông Sandeep Mahajan, mỗi quốc gia có một chính sách tài khoá riêng phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Với Việt Nam cần giảm bớt gánh nặng đối với khu vực tư nhân, có giải pháp củng cố tài khóa trong trung hạn.

 Khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34. Ảnh: Báo Thanh niên Khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34. Ảnh: Thanh niên

Ngày 11/4, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo tình hình kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Về tình hình tại Việt Nam, GDP đã tăng trưởng trở lại trong năm 2015 nhờ cầu trong nước tăng. Tuy nhiên, nếu so sánh tăng trưởng Việt Nam với các nước khác, Việt Nam vẫn là quốc gia có mức tăng trưởng tốt.

Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm trong đó nghèo cùng cực xuống dưới mức 3%. Viễn cảnh trung hạn nói chung là tích cực, trong đó cần kể đến vị thế thuận lợi mà Việt Nam có thể khai thác đáng kể lợi ích các hiệp định thương mại tự do mới ký kết, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, báo Thanh Niên cho biết.

Tuy nhiên, một số rủi ro tiêu cực đáng kể vẫn tồn tại. Đó là các vấn đề liên quan tới thâm hụt tài khóa lớn, nợ công tăng, cầu bên ngoài thấp, nền tài chính toàn cầu không ổn định, cải cách ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành.

>>Dự báo thời tiết: Nắng nóng gay gắt xen kẽ nhiều đợt không khí lạnh ở các vùng

Cảnh Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang