Khó dẹp được nạn buôn lậu thuốc lá vì lợi nhuận đem lại quá cao

author 06:16 01/11/2014

(VietQ.vn) - Đây là nhận định của ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam trong buổi tọa đàm trực tuyến về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra vào ngày 31/10.

Ngân sách năm 2014 có thể mất 8000 tỉ đồng vì nạn buôn lậu thuốc lá

Tại buổi tọa đàm, các khách mời thể hiện rõ sự quan ngại về diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, đặc biệt là ở mặt hàng thuốc lá.

Theo ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, tình hình buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua tăng rất nhanh và hiện Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu đứng thứ hai trong 11 quốc gia châu Á được khảo sát.

phòng chống buôn lậu thuốc lá

Ông Vũ Văn Cường (bên trái) -  Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Ảnh: V.C

Đặc biệt từ năm 2014, khi Luật phòng chống thuốc lá quy định tất cả các loại thuốc lá được bán và sản xuất tại Việt Nam phải in trên vỏ bao lời cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh thì tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng rất mạnh, khoảng 30-40% so với năm trước về cả số lượng, chủng loại và địa bàn.

Ông Cường cho hay, nếu như năm 2013, số lượng thuốc lá lậu vào Việt Nam là 17 tỉ điếu thì tới thời điểm này đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nếu như số thất thu ngân sách năm 2013 là 6.500 tỉ đồng thì dự báo năm 2014 có thể lên tới 8.000 tỉ đồng” – ông Cường cảnh báo.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng, ông Cường cho biết, do thuốc lá lậu trốn được thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, quỹ phòng chống thuốc lá 1%... nên buôn lậu thuốc lá có lợi nhuận rất cao. Ước tính, buôn lậu thuốc lá mang lại lợi nhuận cao gấp 30 lần so với sản xuất và buôn bán trong nước.

Hơn nữa, việc vận chuyển thuốc lá cũng dễ dàng, gọn gàng hơn các mặt hàng khác.

“Trước kia, các đối tượng chủ yếu buôn lậu các loại thuốc lá đắt tiền như Jet, Hero với giá 15.000-16.000 đồng/bao ở các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện hàng trăm loại thuốc lá lậu có giá từ thấp tới giá cao, đủ chủng loại và địa bàn hoạt động trải dài trên cả nước”  - ông Cường nói.

Về phương hướng xử lí nạn buôn lậu thuốc lá, ông Cường kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành cần phải hỗ trợ thêm cho các lực lượng chức năng như cảnh sát biển; bộ đội biên phòng; hải quan; công an của khẩu; quản lý thị trường về trang thiết bị.

Lí do mà ông Cường đưa ra là vì các đối tượng buôn lậu thuốc lá sử dụng các trang thiết bị hiện đại hơn cơ quan chức năng nhiều lần, thậm chí tàu cao tốc của chúng nhanh hơn tàu cảnh sát biển của ta gấp 3 lần.

Ngoài ra, để giảm thiểu nạn buôn lậu thuốc lá, ông Cường cho rằng nếu nâng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá vào thời điểm hiện nay thì tình trạng buôn lậu sẽ càng gia tăng. Điều này sẽ khiến tổng thu ngân sách Nhà nước có thể giảm.

Liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Ngạn, 50 tuổi, ở TP Hải Dương có gửi câu hỏi:

“Việc bắt giữ hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả chẳng qua là lực lượng quản lý thị trường có muốn bắt hay không thôi. Chẳng hạn như vụ hàng trăm xe mô tô phân khối lớn bị bắt giữ do quản lý thị trường Hải Dương bắt tay với đối tượng buôn lậu để ăn chênh lệch mỗi xe bán từ 10-50 triệu đồng”.

 Ông Ngạn còn nhấn mạnh: “Đây là xe mô tô chứ có phải cái kim đâu mà giấu”.

Với câu hỏi hết sức thẳng thắn này của ông Ngạn, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho rằng quản lý thị trường cũng chỉ là một trong những lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu và chống buôn lậu chủ yếu diễn ra ở tuyến biên giới, rất phức tạp.

“Vụ này không phải chỉ một mình quản lý thị trường mà phải có sự phối kết hợp như dừng phương tiện, điều tra… với cơ quan công an, cảnh sát giao thông. Các tiêu cực không phải chỉ ở quản lý thị trường mà xảy ra ở tất cả các ngành. Tôi cho rằng những tiêu cực mà người dân nêu là quá nhỏ so với những thành tích của lực lượng quản lý thị trường đã đặt được trong thời gian vừa qua” – ông Tín lí giải.

Sửa chính sách cư dân biên giới được miễn thuế khi mua hàng 2 triêu đồng/người/ngày?

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều người lo ngại chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng hoá không quá 2 triệu đồng mỗi người trong ngày cho cư dân biên giới và việc mở cửa khẩu phụ cho hàng hóa thông quan đang là khe hở để nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng trốn thuế vào trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, khó có chuyện một nhà có 4 người mỗi ngày 4 lần qua biên giới mua hàng để được miễn thuế 8 triệu đồng. "Nếu như đời sống của người dân cao như thế thì họ không phải đi buôn làm gì”, ông Cẩn nêu quan điểm.

Ông Cẩn cho biết thêm, hiện cơ quan hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính thay đổi một số quy định trong chính sách miễn thuế ưu đãi với cư dân biên giới nhằm phục vụ đời sống dân sinh của người dân khu vực này thuận lợi hơn, tránh tình trạng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Với một số cửa khẩu phụ được mở giúp hàng hóa thông quan dễ dàng, đại diện cơ quan hải quan cho biết thời gian tới sẽ co hẹp lại thẩm quyền của lãnh đạo tại một số địa phương cửa khẩu. “Rất có thể Chính phủ sẽ đảm nhận việc này thay các chủ tịch tỉnh”, ông Cẩn nói.

V. Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang