Khó thực việc siết chặt nhập khẩu máy móc thiết bị cũ

author 21:52 20/09/2014

(VietQ.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 2279/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2014 về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 20/2014/TT quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng từ các nước là nhu cầu thực tế. Những doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 5 năm thì hầu hết dây chuyền sản xuất của những doanh nghiệp này đều nhập khẩu ở nước ngoài về. Giờ đây, nếu thiết bị trong các dây chuyền sản xuất này bị hỏng thì họ phải nhập những thiết bị cũ về thay thế mới có thể tương thích. Vì vậy, mặc dù các quy định kiểm soát chất lượng máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu vào thị trường là để hạn chế bớt những công nghệ, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng lạc hậu đưa vào thị trường nội địa, nhưng cần có sự nghiên cứu phù hợp với thực tiễn để doanh nghiệp không gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết: Trước đây, việc nhập khẩu (NK) máy móc, thiết bị được thực hiện theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất NK hàng hóa và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua - bán hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình xem xét các dự án đầu tư chúng tôi thấy có rất nhiều doanh nghiệp (DN) NK vào Việt Nam máy móc, thiết bị đã qua sử dụng với công nghệ cũ, lạc hậu, gây hậu quả lớn về kinh tế như trường hợp của Vinashin, Vinaline,... Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng một quy định riêng về việc NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Thông tư 20 đã được Bộ KH&CN ký ban hành ngày 15/7/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/9/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, các quy định của Thông tư nhận được nhiều ý kiến phản ứng của phía cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

khó thực hiện việc siết chặt nhập khẩu máy móc thiết bị cũ

Những quy định trong thông tư 20 không khả thi, khắt khe với doanh nghiệp và không xác thực với thực tế. Ảnh minh họa

Theo phân công của Chính phủ, Bộ KH&CN thống nhất quản lý về công nghệ. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành thì chất lượng của các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng ít nhất phải còn 80% so với chất lượng ban đầu và không vượt quá 3-15 năm sử dụng tùy từng chủng loại. Việc giám định được chất lượng của thiết bị, được căn cứ theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và theo Nghị định 132 hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bộ KH&CN đã giới thiệu 3 trung tâm có thể giám định là Trung tâm Kỹ thuật 1, 2 và 3 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KH&CN.

Các doanh nhiệp cho rằng, những quy định trên không khả thi, khắt khe với doanh nghiệp và không xác thực với thực tế.

Cụ thể, Doanh nghiệp cho rằng, không ít máy móc dù đã chạy 10 năm, thậm chí đến 15 năm vẫn tốt. Ông Phan Văn Túc, đại diện doanh nghiệp in ấn cho biết, nếu yêu cầu máy móc chỉ qua sử dụng dưới 5 năm là phi thực tế. Không doanh nghiệp nào mua thiết bị mới và chỉ sử dụng vài năm thì thanh lý. Tại Nhật Bản, đối với những máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong ngành in ấn, thông thường phải sử dụng qua 10 năm các doanh nghiệp Nhật mới thay đổi. Vì thế, quy định, máy móc cũ nhập khẩu vào Việt Nam phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm, có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là điều doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, đại diện Công ty Nguyễn Chi Technology cho rằng, với quy định thời gian máy móc, thiết bị đã sử dụng không quá 5 năm thì dễ dàng xác định nhưng giá trị sử dụng phải còn đạt 80% thì khó xác định và không biết dựa trên cơ sở, tiêu chuẩn nào để tính và đơn vị nào được quyền thẩm định chất lượng của thiết bị để cấp chứng nhận có giá trị pháp lý.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị cần rà soát lại nội dung của Thông tư 20, cần có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Thông tư phù hợp với thực tế. Theo kiến nghị của ông Phan Văn Túc, các sở, ngành các địa phương hãy hỗ trợ doanh nghiệp gửi kiến nghị đến Bộ KH&CN, đồng thời thực hiện khảo sát thực tế tình hình, từ đó có những ý kiến đóng góp xác thực để việc điều chỉnh Thông tư 20/2014/TT-BKHCN phù hợp với thực tiễn hơn.

Bên cạnh đó, công tác giám định máy móc, thiết bị cũng cần có quy định rõ. Để doanh nghiệp không gặp khó khăn trong các thủ tục hải quan về quy định giám định máy móc, thiết bị trước khi thông quan. Các bộ ngành cần có chỉ định những tổ chức giám định đánh giá chất lượng thiết bị đã qua sử dụng cụ thể.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, việc triển khai thực tế giám định thiết bị nhập khẩu tại cửa khẩu hải quan đã phát sinh một số vướng mắc. Nguyên do vì Bộ KH&CN chưa nêu rõ cơ quan nào được phép giám định những máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng có đạt tỷ lệ như quy định hay không và hải quan phải cho nhập khẩu chủ yếu là dựa vào doanh nghiệp nhập khẩu phải tự cam kết máy móc, công nghệ nhập khẩu đó không gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

Từ những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến bằng văn bản kiến nghị Bộ KH&CN xem xét lại Thông tư 20. Vì vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ KH&CN xin ý kiến lùi hiệu lực thi hành Thông tư. Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến để quy định phù hợp với thực tế, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Nhận thấy đến thời điểm hiện nay, do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của Thông tư số 20.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 2279/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2014 về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Quyết định số 2279/QĐ-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

Hương Giang


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang