Khoa học công nghệ trước vận hội mới

author 07:06 10/02/2013

(VietQ.vn) - Nghị quyết Trung ương 6 về “phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là dấu mốc quan trọng, tiền đề cho sự phát triển KHCN giai đoạn tới.

Nhân dịp đầu xuân, Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân
Bộ trưởng Nguyễn Quân

Thưa Bộ trưởng, năm 2012 được xem là một năm đầy dấu ấn trong hoạt động KHCN. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của ngành KHCN năm qua?

Năm 2012 là năm có rất nhiều cột mốc đáng nhớ. Về mặt cơ chế chính sách đây là năm Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 – 2020” với rất nhiều mục tiêu cụ thể để Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Thứ hai là TW Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 về phát triển KHCN để phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đây là nhận thức mới của Đảng kế thừa và thay thế Nghị quyết TW 2 khóa VIII năm 1996 trong đó giải pháp đồng bộ và rất quyết liệt về KHCN thực sự trở thành quốc sách hàng đầu đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Về mặt các thành tựu cụ thể trong lĩnh vực KHCN có hai sự kiện rất quan trọng. Một là chúng ta đã khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La là một nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, được thiết kế và xây dựng bằng trí tuệ Việt Nam. Và ngay trong công trình thủy điện Sơn La có rất nhiều công trình, sản phẩm có hàm lượng KHCN rất cao.

Sự kiện thứ hai đó là lần đầu tiên hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước cho ngành dầu khí, cũng là công trình mà chỉ có mức đầu tư rất khiêm tốn của KHCN với dự án 118 tỉ đồng nhưng trong vòng 2 năm các nhà khoa học của ngành dầu khí đã làm chủ hoàn toàn thiết kế và chế tạo công nghệ giàn khoan. Đưa Việt Nam chúng ta trở thành 1 trong 10 quốc gia trên thế giới chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước.

Bên cạnh những sự kiện lớn như vậy còn có rất nhiều thành tựu khoa học khác cũng đã được khẳng định trong năm 2012 và tôi cho rằng chúng ta đã có cơ sở để có thể tin tưởng rằng trong giai đoạn tới với Nghị quyết TW6 cùng chiến lược phát triển KHCN, với luật KHCN sửa đổi đang trình Quốc hội thông qua chúng ta sẽ có những điều kiện thuận lợi để KHCN thực sự có đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của Việt Nam.

Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết Hội nghị TW6 có nội dung phát triển KHCN phục vụ CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trong năm 2013 và những năm tiếp theo là gì?

Để thực hiện Nghị quyết TW6 về phát triển KHCN thì ngay trong đầu năm 2013 Bộ KH&CN đã xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết TW. Đồng thời triển khai một cách đồng bộ tất cả những giải pháp trong Nghị quyết đã chỉ ra.

Trước mắt là đưa vào hoạt động 10 chương trình quốc gia về KHCN trong đó có 3 chương trình lớn đặc biệt quan trọng có thể làm thay đổi diện mạo của KHCN Việt Nam trong giai đoạn này đó là : Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình đổi mới KHCN quốc gia.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của TW về phát triển KHCN bằng việc xây dựng luật KHCN sửa đổi. Đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào tháng 5/2013 thông qua luật này thì bắt đầu vào năm 2014 Luật sẽ có hiệu lực để đưa Luật vào cuộc sống. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị các văn bản dưới luật như các nghị định, các thông tư có liên quan đến hoạt động KHCN.

Đồng thời cũng cần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước đó là chuyển các tổ chức KHCN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và một số tổ chức sẽ hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp. Trên tinh thần giao quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN và các nhà khoa học thì chúng tôi hi vọng sẽ giải phóng được sức sáng tạo của giới khoa học, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học của Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, của đất nước và có những sản phẩm có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Cũng nói đến nhiệm vụ KHCN thì vấn đề quan trọng nhất đó là chúng ta phải đổi mới tư tưởng đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN thoát khỏi ràng buộc của cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp trước đây. Thực sự để hoạt động KHCN theo một cơ chế đặc thù trong việc xây dựng kế hoạch, trong việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong việc huy động đóng góp của xã hội, của doanh nghiệp cho hoạt động KHCN.

Cuối cùng sẽ phải ban hành một chính sách đặc thù để trọng dụng và đãi ngộ những người làm khoa học, xây dựng những mô hình để có thể tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho giới khoa học, giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học và thí điểm cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử nghiệm để làm sao chúng ta có được những sản phẩm khoa học vừa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội, vừa đem lại lợi ích cho bản thân giới khoa học. Vì vậy nhiệm vụ năm 2013 của ngành KHCN là rất nặng nề.

Nghị quyết TW 6 có những quy định rất mới, có thể nói là đổi mới một cách căn bản hoạt động KHCN. Các nhà khoa học đã đón nhận “luồng sinh khí mới” này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Nghị quyết TW6 có những đổi mới một cách căn bản hoạt động KHCN. Tuy nhiên là bây giờ chúng ta phải thể chế bằng luật pháp và biến nó thành những giải pháp cụ thể để có thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đây là một quá trình lâu dài.

Tuy nhiên ngay thời điểm này chúng ta có thể thấy giới khoa học đánh giá rất cao những vấn đề mới trong Nghị quyết TW. Cho rằng Nghị quyết lần này đã bám sát vào thực tiễn phát triển của đất nước và bám sát vào đặc thù hoạt động KHCN. Giới khoa học cũng kỳ vọng rất nhiều vào Nghị quyết của Đảng, họ cũng đang mong đợi những chính sách cụ thể của Chính Phủ và Bộ KH&CN cùng của các Bộ ngành có liên quan. Giới khoa học sẽ được thụ hưởng những ưu đãi, những đổi mới của Nghị quyết TW. Và nếu chúng ta làm tốt việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt các văn bản thì chắc chắn sẽ đem đến một luồng sinh khí mới tạo ra bước ngoặt mang tính quyết định đối với sự phát triển của KHCN.

Sang năm mới Bộ trưởng có mong muốn như thế nào cho nền KHCN Việt Nam và có gửi gắm gì đến đội ngũ những người làm khoa học?

Với những kết quả đã đạt được trong năm qua, KHCN Việt Nam đang đứng trước vận hội mới. Tôi hy vọng năm 2013 Luật KHCN sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua với những quy định rất đổi mới sẽ hỗ trợ một cách đắc lực cho hoạt động KHCN trong cả nước.

Đối với giới khoa học, tôi chỉ mong sao KHCN Việt Nam tập trung trí tuệ, đoàn kết thực hiện thành công những chủ chương chính sách của Đảng và nhà nước về KHCN. Cụ thể là Nghị quyết TW6, Luật KHCN sửa đổi, Chiến lược phát triển KHCN cũng như Đề án Đổi mới toàn diện về cơ chế quản lý trong hoạt động KHCN, lấy đó làm bước phát triển ban đầu cho những giai đoạn tiếp theo để chúng ta đặt KHCN đúng với vị trí của nó là quốc sách hàng đầu và Việt Nam sẽ có tên trong bản đồ KHCN thế giới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hà Thủy (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang