Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy thịnh vượng

author 21:23 29/11/2019

(VietQ.vn) - Trong Kế hoạch hành động quốc gia, vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo được khẳng định. Cụ thể là, nội dung kế hoạch nhấn mạnh KH&CN và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phép và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường.

Sự kiện: NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM VÀ KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”, vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết, vào ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Tại Quyết định 622/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Bộ chủ trì thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nhấn mạnh cần huy động sự tham gia của cả cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các đối tác trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ là một trong các bộ, ngành được phân công tổ chức triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phong Lâm

Trong Kế hoạch hành động quốc gia, vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo được khẳng định. Cụ thể, nội dung kế hoạch nhấn mạnh KH&CN và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phép và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường; công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

Ngày 18/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg về việc kiện toàn Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Quyết định, Hội đồng có 05 Ủy ban chuyên môn về: Phát triển bền vững; Xã hội; Môi trường; Khoa học và công nghệ; Giáo dục và phát triển nhân lực.

Thực hiện Quyết định 419/QĐ-TTg, ngày 29/11/2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 3663/QĐ-BKHCN về việc thành lập Ủy ban về KH&CN thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, thành viên của Ủy ban là đại diện một số Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN.

"Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành KH&CN, Uỷ ban về KH&CN tổ chức Hội thảo quốc gia “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Tại Hội thảo hôm nay, các Quý vị đại biểu sẽ lắng nghe đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu trình bày các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù trong điều kiện thời gian cuối năm rất bận rộn, các bài tham luận tại Hội thảo đã được đại diện các đơn vị chuẩn bị khá công phu, thể hiện sự nhiệt tình và trách nhiệm của toàn xã hội trong thúc đẩy vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Ông Phan Chí Thành, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Phong Lâm

Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Chí Thành, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo là hai đề tài rất được dư luận quan tâm hiện nay và được đề cập rất nhiều trong bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

"Định hướng trong thập niên tới, mục tiêu của chúng ta là phát triển nhanh và bền vững. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững diễn ra hồi tháng 9/2019 vừa qua, nhiều chuyên gia, đại diện các bộ ngành đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể thúc đẩy tốc độ phát triển, tăng trưởng kinh tế một cách nhanh, nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo bền vững. Một trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo mục tiêu trên được thực hiện thành công là phát triển đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Như chúng ta đã biết, tháng 9/2015 tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc, 193 người đứng đầu của các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Trong đó thống nhất xác lập 17 mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường, giữ được vai trò định hình, định hướng cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu", ông Phan Chí Thành cho hay.

Cũng theo vị này, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Phát triển bền vững đã được lồng ghép nhất quán trong các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kì như Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững vào tháng 5/2017 và đã ban hành lộ trình thực thiện các mục tiêu về phát triển bền vững cho đến năm 2030 vào tháng 5/2019.

Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành để triển khai có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia. Đồng thời, hợp tác rất chặt chẽ với Bộ KH&CN về các mục tiêu này.

"Hội đồng gồm có 6 ủy ban chuyên môn trong đó ủy ban về khoa học công nghệ do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh làm chủ tịch đóng vai trò là cơ quan tham mưu và tư vấn cho chủ tịch hội đồng, cho Phó Thủ tướng và xây dựng, thực hiện chiến lược chính sách và các chương trình nhiệm vụ và giải pháp về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trước hết là các mục tiêu 9.4 và 9.5 về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Thành thông tin.

KH&CN, đổi mới sáng giúp doanh nghiệp tăng vị thế cạnh tranh

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp khẳng định, nếu không ứng dụng các giải pháp công nghệ, không đổi mới sáng tạo trong sản phẩm sẽ khó để cạnh tranh. Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo sản phẩm của họ.

Khẳng định các giải pháp công nghệ góp phần trực tiếp vào phát triển bền vững, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, lĩnh vực công nghệ vũ trụ cũng đang phát triển theo định hướng này. Trong đó các ứng dụng của công nghệ vũ trụ giúp cho việc giám sát thiên tai, lúa, cháy rừng, ô nhiễm môi trường...

Quang cảnh Hội thảo 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, tuy nhiên thời gian tới cần có một chiến lược đổi mới công nghệ cụ thể cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó cần nhận diện xu hướng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị của các ngành sản xuất kinh doanh có sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển trên cơ sở phân tích ngành, phân tích phí sản xuất trung bình của toàn ngành.

"Từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể đủ khả năng để thực hiện các công việc nêu trên. Do đó, đối với từng ngành, các hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành phải có hướng tập trung, đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Nên xây dựng thí điểm một số khu cụm công nghiệp chuyên ngành và các trung tâm nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp", ông Vinh nói.

Còn theo ông Phạm Văn Hồng, Viện Chiến lược chính sách KH&CN, Học viện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn số liệu cho thấy đóng góp của KH&CN. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6 % bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% giai đoạn 2016-2018. 

Nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam cũng cho thấy, những doanh nghiệp có năng lực công nghệ được đánh giá cao hơn so với trung bình của Việt Nam có mức lao động cao hơn 1,66 - 1,83 lần. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2016 tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc).

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang