Khoa học đau đầu trước bí ẩn về hiện tượng 'người tự bốc cháy'

author 05:40 13/05/2017

(VietQ.vn) - Hơn 300 năm qua ghi nhận hơn 200 trường hợp con người tự bốc cháy tới chết, không hề có dấu hiệu bị thiêu bằng một nguồn nhiệt ngoài

Lịch sử đã ghi nhận hơn 200 trường hợp con người bỗng dưng bốc cháy tới chết, không hề có dấu hiệu bị thiêu bằng một nguồn nhiệt ngoài. Trường hợp "người tự bốc cháy" đầu tiên được ghi nhận là của hiệp sĩ người Ý tên Polonus Vorstius. Năm 1470, sau khi uống một ít rượu mạnh, Vorstius bắt đầu nôn ra lửa trước khi bốc cháy. Các trường hợp này diễn ra hết sức kì lạ. 

Năm 1982, giới khoa học lại được một phen chấn động khi nước Anh ghi nhận một trường hợp “người tự bốc cháy” có thật về một nạn nhân có tên Jeannie Saffin (hưởng dương 61 tuổi).

Cơ thể Jeannie Saffin đã bỗng nhiên bốc cháy khi bà đang ngồi thư giãn trong gian bếp khi vừa nấu cơm xong. May mắn là người cha già của Jeannie Saffin đã nhanh chóng dập lửa và gọi cấp cứu kịp thời, suốt quá trình ngọn lửa bùng lên, Jeannie Saffin hoàn toàn không hề có bất cứ phản ứng gì.

Một tuần sau khi nằm viện, bà hôn mê sâu rồi qua đời vì bệnh viêm phổi. Cảnh sát không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về việc bà bị mưu sát, phóng hỏa dù bếp ga đang bật chỉ cách chỗ bà Jeannie Saffin ngồi nghỉ đúng 1,5 mét. Hồ sơ bệnh án của bệnh viện cho biết, bà đã bị bỏng nặng ở cổ, tay, toàn bộ vùng bụng, mặt biến dạng hoàn toàn.

Gần đây nhất, vào ngày 22/12/2010, một người đàn ông 76 tuổi có tên Michael Faherty quốc tịch Ireland cũng đột nhiên bốc cháy khi đang ở trong nhà mình. Hàng xóm đã bị chuông báo động kêu inh ỏi phát ra từ căn nhà của ông đánh thức trong đêm.

Khi họ chạy sang, toàn bộ cơ thể của Michael Faherty đang bốc cháy đùng đùng, riêng đôi chân là không hề suy suyển và còn… nguyên vẹn. Cảnh sát kết luận, ông là “người tự bốc cháy” vì không thể nào tìm thấy bất cứ dấu vết hỏa hoạn, phóng hỏa hay mưu sát nào tại hiện trường.

Được biết, các nạn nhân thường được phát hiện đơn độc ở trong nhà, với phần đầu và thân cháy rụi. Tuy nhiên tay chân lại còn nguyên vẹn. Trong vài trường hợp hiếm hoi, nội tạng không bị tổn hại. Các căn phòng hiện trường cũng không phát hiện thấy dấu vết bị cháy, ngoài một dư lượng dầu mỡ trên đồ nội thất và tường.

Giải mã bí ẩn về hiện tượng 'người tự bốc cháy'. Ảnh minh hoạ

Trước đây, các nhà nhà khoa học từng cho rằng nguyên nhân gây ra sự tự bốc cháy ở cơ thể con người có thể là do men rượu trong cơ thể kết hợp với các tế bào gây nên sự cháy. Những năm 1970 còn xuất hiện giả thiết cho rằng chứng trầm cảm cũng có thể khiến con người ta tự bốc cháy. Thậm chí có người còn cho rằng cơn bão từ vũ trụ, hay vi khuẩn đường ruột đã sinh ra khí metan trong đường ruột hoặc tích tụ năng lượng khiến cơ thể người phát hỏa.

Được các nhà khoa học đồng tình nhiều nhất có thể kể đến "hiệu ứng sợi bấc". Theo đó, nếu coi cơ thể con người là một cây nến, thì phần chất béo trong người chính là sáp nến, nhiên liệu cho sự cháy. Tóc hay quần áo chính là sợi bấc. Vì một nguyên nhân nào đó quần áo hay tóc bắt lửa, đầu tiên lửa sẽ đốt cháy lớp da người. Phần mỡ dưới da sẽ ngấm vào quần áo và tiếp tục trở thành nhiên liệu cho sự cháy.

Giả thiết giải thích tại sao đa số các trường hợp được phát hiện đều là người già, hành động chậm chạp hoặc người say rượu nên họ dễ bị bắt lửa từ bếp ga, nến, tàn thuốc lá mà không hay biết. Tuy nhiên, nó chưa thể giải thích tại sao hiện tượng này chỉ diễn ra trong nhà bởi chưa có vụ tự bốc cháy nào diễn ra ngoài đường phố, gần các nguồn dễ bắt lửa. Hiện tượng này cũng chỉ xảy ra ở người, không có báo cáo nào về việc động vật tự bốc cháy. 

Do vậy, mọi giả thiết chỉ mang tính tương đối và hiện các nhà khoa học vẫn trên đường đi tìm câu trả lời chính xác nhất.

 Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang