Khoa học 'đau đầu' vì chủng 'siêu sốt rét' không thể chữa trị và tiêu diệt

author 06:21 03/10/2017

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học cho biết, đang có một nguy cơ cực kỳ nguy hiểm đó là bệnh sốt rét đang trở nên không thể chữa khỏi.

Mới đây, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh “siêu sốt rét” ở Đông Nam Á. Thể sốt rét mới này được cho là không thể chữa trị và tiêu diệt bằng loại thuốc trị sốt rét thông thường. “Siêu sốt rét” đã được cảnh báo và phát hiện tại Campuchia, nó vẫn đang lan rộng ra các nước khu vực xung quanh tại Đông Nam Á như Thái Lan, Lào và cả ở miền nam Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol-Oxford ở Bangkok, Thái Lan cho rằng, đang có một nguy cơ cực kỳ nguy hiểm đó là bệnh sốt rét đang trở nên không thể chữa khỏi.

Giống như siêu vi khuẩn kháng kháng sinh, siêu ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng là một vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đặc biệt chú ý đến một chủng sốt rét, gọi là P falciparum, đang lan rộng ở Đông Nam Á. 

P falciparum được gọi là siêu ký sinh trùng sốt rét, bởi khả năng kháng cả 2 loại thuốc điều trị tốt nhất hiện tại là artemisinin và piperaquine. Trước đây, ký sinh trùng sốt rét cũng đã từng kháng được một loại thuốc đặc hiệu là chloroquine.

Giáo sư Arjen Dondorp, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu điều trị sốt rét, nói: "Đây là một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng. Loại virus này đang lây lan nhanh chóng trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á và điều đáng sợ rằng là có thể lây lan xa hơn…tới tận châu Phi".

Trong một bài viết xuất bản trong The Lancet Infectious Diseases – Tuần san Y khoa Quốc tế, các nhà nghiên cứu đã sử dụng câu "sự phát triển nguy hiểm gần đây" để mô tả chi tiết về khả năng kháng với thuốc artemisinin xuất hiện tại các chủng virus gây bệnh sốt rét mới phát hiện.

Khoa học 'đau đầu' vì chủng 'siêu sốt rét' không thể chữa trị và tiêu diệt  

Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, trên phạm vi toàn cầu có 214 triệu trường hợp mắc sốt rét, trong đó 438.000 ca tử vong có liên quan đến sốt rét, đặc biệt có 78% số ca tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Có khoảng 3,2 tỷ người, tương đương ½ dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt rét. Bệnh hiện lưu hành tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ; tập trung tại các quốc gia châu Phi, Tây Thái Bình Dương.

Thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, số bệnh nhân mắc sốt rét ở nước ta vẫn ở mức cao, hàng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét.

Tại Việt Nam, năm 2016, cả nước ghi nhận hơn 4.000 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong. So với năm 2015, số trường hợp nhiễm ký sinh trùng giảm 52,6%. Bệnh ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước.

Bộ Y tế khuyến cáo: Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa sốt rét, chính vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Có nhiều phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét (như: diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh).

Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cũng cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi và người như mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng…

Người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là người dân phải ngủ màn thường xuyên, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi...

Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang