Khoa học đưa đồng bằng sông Hồng phát triển

author 09:04 28/09/2013

(VietQ.vn) – Vốn đầu tư cho khoa học địa phương ngày càng được chú trọng. Các đề tài đem lại lợi ích thiết thực, đưa kinh tế các vùng đi lên...

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ngân sách được dùng hiệu quả

Bộ KHCN cho biết, đánh giá sơ kết những năm qua tại 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng, công tác đầu tư tài chính đã được chú trọng. Cơ cấu đầu tư ngày càng hợp lý, đảm bảo hiệu quả và chất lượng các đề tài.

Khoa học công nghệ đưa kinh tế địa phương phát triển

Khoa học nâng cao giá trị các sản phẩm của địa phương. Trong ảnh là các nông sản của tỉnh Lạng Sơn trong triển lãm Techmart 2013 tại Hà Nội. Ảnh: HT

Tuy nhiên, vẫn còn địa phương bố trí vốn dành cho KHCN chưa đúng mục đích, như chi cho tăng cường thiết bị y tế, xử lý nước thải, chi tăng cường tiềm lực công nghệ thông tin của các Sở, ban, ngành...

Từ 2011 – 2013, kinh phí cá địa phương cấp cho sự nghiệp KHCN là hơn 1400 tỷ đồng, cấp cho đầu tư phát triển là hơn 1600 tỷ đồng.

Nhiều đề tài đi vào cuộc sống

Từ 2011 – 2013, các tỉnh đã triển khai trên 1400 đề tài KHCN, trong đó nông nghiệp chiếm hơn 35%. Nhiều đề tài hiệu quả như, Giữ nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ, xử lý ao hồ ô nhiễm ở  Hà Nam, Lai tạo giống lợn lai và lợn rừng ở Thái Bình, Chế tạo thiết bị điều khiển tự động chiếu sáng ở Bắc Ninh...

Chính các kết quả của các đề tài nghiên cứu này đã tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Khoa học đã tăng năng suất nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương.

Tuy nhiên, KHCN địa phương cũng còn có những hạn chế. Đó là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo địa phương về vai trò của KHCN còn hạn chế. Cơ chế tài chính cấp cho các đề tài, dự án còn nặng về thủ tục, tốn thời gian...Số lượng các sản phẩm công nghệ cao còn thấp. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm thực tiễn...

Những kiến nghị

Vụ KHCN địa phương và Sở KHCN các tỉnh đề nghị Bộ KHCN, Bộ Nội vụ thành lập phòng Quản lý KHCN cấp huyện.

Những đơn vị cấp Bộ được giao chủ trì các chương trình quốc gia về KHCN cần tập trung tìm hiểu nhu cầu địa phương để hỗ trợ hiệu quả.

Đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa đổi cơ chế cấp tài chính theo hướng khoán toàn bộ kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN đã được phê duyệt cho cơ quan chủ trì quản lý và sử dụng. Ban hành định mức mới thay thế Thông tư 22/2007.

Minh Nhật

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang