Khoa học và Công nghệ: Bệ phóng năng suất chất lượng nông nghiệp nông thôn, miền núi

authorMinh Hà 06:48 15/06/2015

(VietQ.vn) - Sau 15 năm thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi, chương trình đã đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy năng suất, chất lượng nông nghiệp vùng nông thôn, miền núi.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sau 15 năm thực hiện chương trình nông thôn miền núi (Chương trình), các dự án của Chương trình đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN).

Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật của Chương trình Nông thôn miền núi thời gian qua? Lĩnh vực nào có thể coi là thành công nhất thưa ông? 

Qua 15 năm triển khai 3 giai đoạn, Chương trình Nông thôn miền đã triển khai thực hiện 856 dự án tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó, giai đoạn 1998-2002 thực hiện được 242 dự án, giai đoạn 2004-2010 thực hiện được 292 dự án, giai đoạn 2011-2015 triển khai được 322 dự án.

ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật - Bộ KH&CN

Đã thực hiện ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả 4.804 công nghệ và 2.516 mô hình về ứng dụng công nghệ. Các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, giải quyết lao động nông thôn góp phần cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi. 

Chương trình đã thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến và phát triển phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo.

Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước khác, nhà nước cần làm gì để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho Khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng?

Gần đây Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 trong đó doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, về thuế, về đào tạo nhân lực về phát triển thị trường và ứng dụng KH&CN. Thực hiện nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014) về việc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN thực hiện việc cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thống đôc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14.

Theo quyết định này thì đối tượng cho vay cũng chủ yếu là các doanh nghiệp với lượng vốn vay có thể tới 70% tổng đầu tư của dự án và lãi suất vay thấp, thời gian vay dài và hưởng các ưu đãi trong hai năm đầu, các năm sau như vay thương mại.

các chuyên gia cho rằng, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi

Các chuyên gia cho rằng, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi

Đối với Bộ KH&CN, đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 95/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN. Trong nghị định này cũng có hẳn một chương về hoạt động KH&CN của doanh nghiệp và các điều khoản về ưu đãi đối với doanh nghiệp khi hoạt động KH&CN trong đó có các ưu đãi về thuế, về vay vốn, về đất đai, về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực KH&CN về sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học khi sử dụng ngân sách nhà nước…

Như vậy chính sách thì đã có nhiều và khá đầy đủ, vấn đề ở đây là tổ chức thực thi chính sách sao cho tốt, để cho doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận chính sách mà thôi.

Bài học của một số nước cho thấy, họ trích 1% từ tổng giá trị xuất khẩu nông sản để đầu tư cho công tác nghiên cứu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông cần có những giải pháp nào để việc đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp có hiệu quả cao hơn?

Trước hết tôi thấy đây là bài học kinh nghiệm hay mà Việt Nam cần nghiên cứu để vận dụng. Theo kinh nghiệm này, với giá trị xuất khẩu hàng nông lâm sản của Việt Nam năm 2014 là gần 31 tỷ USD, thì chúng ta sẽ có trên 300 triệu USD phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Số lượng kinh phí này là rất lớn, gấp trên 3 lần nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu, triển khai lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc huy động nguồn kinh phí đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học nông nghiệp, trước hết phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 80 - 90 triệu USD cho lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc. Bằng việc xác định đúng nhiệm vụ cần nghiên cứu, thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KHCN để đảm bảo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có địa chỉ ứng dụng và cơ quan đề xuất đặt hàng chịu trách nhiệm nhân rộng kết quả nghiên cứu KHCN theo đề xuất đặt hàng của mình. 

Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội để thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Ví dụ như trích một phần giá trị thu nhập tính thuế thu nhập DN theo Nghị định 95/2014/ NĐ-CP quy định DN nhà nước phải trích 3-10% giá trị tính thuế thu nhập DN và DN ngoài nhà nước được trích tới 10% giá trị tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển KHCN của DN dùng cho các hoạt động nghiên cứu triển khai của DN cũng như hỗ trợ các quỹ phát triển KHCN khác.

Xin cảm ơn ông!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang