Khoa học và Công nghệ đóng góp không nhỏ cả về lượng và chất cho tăng trưởng kinh tế

author 18:16 18/05/2019

(VietQ.vn) - Khoa học công nghệ đã có đóng góp không nhỏ cả về số lượng và chất lượng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Sự kiện: Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai

Chiều 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và Giải Báo chí viết về khoa học và công nghệ 2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu đã tham dự sự kiện.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm và lễ trao các giải thưởng, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết, kể từ năm 2014 đến nay, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) đã trở thành ngày truyền truyền thống, ngày hội quan trọng nhất của ngành khoa học và công nghệ. Chủ đề của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay là “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai” với mong muốn ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ của khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hán Hiển 

“Chúng ta tổ chức kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm tri ân, tôn vinh các thế hệ đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Đồng thời, khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Trong dịp này, trên khắp cả nước cũng đã diễn ra nhiều hoạt động sự kiện nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đây chính là cơ hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thời gian qua, các nhà khoa học, doanh nghiệp, đội ngũ phóng viên báo chí và cộng đồng khoa học trên cả nước đều đã thể hiện được tinh thần yêu khoa học công nghệ, tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho việc phát triển nền khoa học công nghệ của Việt Nam”, Bộ trưởng nói

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ, đổi mới để khoa học công nghệ thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Đánh giá khách quan từ quốc tế cho thấy khoa học công nghệ đã có đóng góp không nhỏ cả về số lượng và chất lượng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều này thể hiện qua những con số cụ thể như chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Năm 2017 chỉ số này tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 2 bậc và xếp thứ 45/126 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chỉ số đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) cũng tăng từ 33,6% bình quân cho giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% cho giai đoạn từ 2016-2018, vượt mục tiêu đề ra là 35% của giai đoạn 2010-2020.

Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Hán Hiển 

Một dấu hiệu đáng mừng nữa là tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ từ xã hội cũng đã bước đầu có sự chuyển dịch mạnh và ngày càng tăng, cho đến nay vượt mức đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong đầu tư cho khoa học công nghệ giữa nhà nước và doanh nghiệp không còn ở tỷ lệ 7-3 như đầu thập kỷ này mà thay vào đó là mức 5,2-4,8.

Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đã quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự quan tâm bước đầu và tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng trưởng ngày càng rõ nét cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, startup của Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ tiếp cận và cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế.

“Ngay sáng sớm hôm nay, tôi rất vui mừng khi nhận được tin Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải. đã vượt qua vượt qua hơn 40 quốc gia, giành quán quân cuộc thi Startup World Cup 2019. Nhóm khởi nghiệp này đã xây dựng phần mềm có thể tạo ra một kế hoạch định tuyến tối ưu chỉ trong vài giây, đồng thời, tối đa hóa công suất của xe và giúp tiết kiệm 40% chi phí nhân lực và nhiên liệu. Điều đặc biệt tôi muốn nói Abivin chính là startup "thuần Việt" được đào tạo bởi Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) (Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì). Đây cũng là nhà vô địch của Techfest 2018. Sự kiện này củng cố thêm quyết tâm để chúng ta cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng cho rằng, bên cạnh các thành tựu đạt được, ngành khoa học và công nghệ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển khoa học và công nghệ; khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh ba nhà khoa học tiêu biểu

Nói về lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng và ghi nhận cống hiến của các tác giả đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Ông cho biết, Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ huy động đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Mọi nhiệm vụ hướng đến mục tiêu, giải quyết các bài toán lớn, đồng bộ, tổng thể theo chuỗi giá trị.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 được trao cho ba nhà khoa học gồm PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Cơ học); PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (lĩnh vực Y sinh Dược học) và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Vật lý).

Phát biểu khi được nhận giải, PGS Phạm Đức Chính đánh giá cao khi Giải thưởng tổ chức hội đồng xét tuyển chặt, tạo uy tín cho Giải thưởng và những người được nhận giải. Theo ông Chính, các kết quả nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế của Việt Nam được nhem nhóm từ thời GS. Tạ Quang Bửu có điều kiện bừng lên trong thời hội nhập và tiến bộ ngày nay là nhờ các cải cách trong chính sách khoa học, công nghệ, và giáo dục, trong đó Nafosted là một ngọn đuốc sáng.

"Một tương lai tươi sáng của nước nhà khi khoa học Việt Nam ngày càng tiến bộ, dần sánh vai các cường quốc năm châu, như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS Tạ Quang Bửu", PGS Chính nói.

Cùng phát biểu tại buổi lễ, TS Lê Trọng Lư cho biết, công trình nghiên cứu của ông được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu bắt nguồn từ cảm hứng của bài phát biểu GS. Richard P. Feynma từ năm 1959 về kích thước siêu nhỏ chúng ta còn rất nhiều thứ để tìm hiểu. Bài phát biểu này chính là nguồn cảm hứng và đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới cho lĩnh vực Vật lý sau này, đó là lĩnh vực khoa học và công nghệ nano.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng bằng khen, quà lưu niệm cho các tác giả đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019. Ảnh: Hán Hiển 

Sau đó TS Lê Trọng Lư đã nghiên cứu làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của các hạt nano - một khám phá quan trọng cho phép điều khiển chất lượng và các thông số hạt như mong muốn thông qua việc thay đổi điều kiện tổng hợp. Công trình cũng lần đầu tiên sử dụng một loại hoá chất mới với chi phí bằng 1/20 hoá chất thường được các nhóm nghiên cứu trên thế giới sử dụng, do đó cho phép giảm giá thành sản phẩm gần 80%.

"Cho dù các kết quả thu được từ nghiên cứu mới chỉ là bước đầu và mơ ước đưa vào ứng dụng trong thực tế vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua, những hiểu biết thu được từ hướng nghiên cứu của mình thời gian qua là động lực thôi thúc chúng tôi tiến lên phía trước", TS Lư nói.

Là nhà khoa học nữ lần đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Tạ Quang Bửu, PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho rằng, các cơ quan quản lý khoa học thời gian qua tạo môi trường, cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu và hướng đến các công trình nghiên cứu hội nhập quốc tế. Việc tổ chức giải thưởng cũng góp phần tôn vinh, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu tới các nhà khoa học.

Trao giải Báo chí về Khoa học và Công nghệ

Bộ KH&CN trao bằng khen, quà tặng cho các tác giả đạt Giải báo chí về khoa học công nghệ năm 2018. Ảnh: Hán Hiển 

Nhân dịp này, Bộ KH&CN cũng tổ chức trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN, gồm 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải phụ, cho các nhà báo có tinh thần khoa học, nỗ lực tìm tòi, phát hiện, phản ánh chân thực mọi lĩnh vực của ngành KH&CN Việt Nam.

Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ là sự ghi nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với những nhà báo có tinh thần khoa học, những nhà báo đã nỗ lực hết mình tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi lĩnh vực của ngành khoa học và công nghệ, đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ đất nước thông qua tác phẩm báo chí. Đồng thời, thông qua các bài viết góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ trong thời kỳ phát triển và hội nhập. 

Hán Hiển-Thúy Ngân

'Lộ diện' 3 nhà khoa học được đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho ba (03) nhà khoa học.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang