Khoa học và Công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

author 17:03 28/01/2017

(VietQ.vn) - Tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

KHCN Việt Nam đã có những bước tiến lớn

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, có thể nói, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành khoa học công nghệ (KHCN), thời gian qua, KHCN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.

Năm 2016 đã được xác định là năm quốc gia khởi nghiệp. Trong năm 2016, hoạt động thúc đẩy hình thành, phát triển doanh nghiệp KHCN; phát triển thị trường KHCN; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ là một trong những hoạt động được ngành KHCN triển khai mạnh mẽ, rộng khắp và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều này đã đóng góp đáng kể vào việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh 

Dấu ấn KHCN trong các ngành đều có nổi bật

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: KH&CN góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

KH&CN góp phần tích cực vào thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới cơ chế phát triển KHCN, góp công sức rất lớn vào việc tìm ra nguyên nhân của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bộ KH&CN cũng đã “3 cùng” với Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng các chương trình, đề tài ứng dụng KHCN vào nông nghiệp.

“Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, ngành KHCN nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Nhất là, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tập trung nhiều vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ cho nền kinh tế”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Phối hợp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

“Chúng ta sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn khi gia nhập nhiều hiệp định thương mại Tự do (FTA) với các hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Tôi mong muốn ngành KHCN quan tâm vấn đề này để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Y tế luôn đặt KHCN là một động lực then chốt để phát triển.

Nếu không có KHCN thì không thể nào làm được công tác phòng bệnh, chữa bệnh đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của biến đổi khí hậu, của các bệnh mới xuất hiện, các bệnh lây nhiễm, ung thư, các bệnh do lối sống hiện đại. Do vậy KHCN là động lực của ngành y tế, đóng góp quan trọng trong dự phòng và điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Trong đó nổi bật là việc tự chủ sản xuất nhiều loại vaccine tại Việt Nam. Ngoài ra, các ứng dụng KHCN đã giúp chữa trị và tiến hành thành công việc ghép tạng.

“Đây là một ngành vừa mang tính khoa học, vừa mang tính kinh tế và an sinh xã hội. Từ trước tới nay, Y tế luôn đặt KHCN là một động lực then chốt để phát triển”.

 Thượng Tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường

Thượng Tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường: Ứng dụng KHCN góp phần nâng cao tiềm lực quân sự.

Nhờ sự phát triển của KH&CN công nghệ cao đã có một số loại vũ khí mới ra đời có tầm bắn chính xác cao, độ bắn xa, khả năng uy lực sát thương rất lớn, làm thay đổi nhìn nhận của chúng ta trước đây về chiến tranh. Nhiều phương thức tác chiến công nghệ cao, phương thức tác chiến điện tử, phương thức tác chiến chiến tranh lạnh và tác chiến bây giờ cũng phá vỡ quan niệm trước đây là giữa hậu phương và tiền tuyến về chiến tranh thì bây giờ không còn quan niệm này nữa và không còn ngày và đêm, chiến trường xuyên suốt, với khoảng cách hàng nghìn cây số vẫn đánh chính xác mục tiêu…

Ngoài vấn đề nghiên cứu cho vấn đề quốc phòng an ninh thì các viện nghiên cứu, các tập đoàn, thì chúng tôi còn phục vụ dân sự. Điển hình là tập đoàn viễn thông quân đội. Trước đây chỉ là 1 công ty sửa chữa vô tuyến điện nhưng ngày này nhờ nghiên cứu, cùng với sự chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã trở thành tập đoàn mạnh, vươn ra đầu tư được 10 nước trên thế giới. Hiện nay tập đoàn này đã có đóng góp rất cơ bản cho ngân sách nhà nước, 1 năm đóng góp trên 40.000 tỷ.

“Trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, việc ứng dụng KHCN vào nghiên cứu các chế tài quân sự sẽ góp phần nâng cao tiềm lực quân sự cho Việt Nam, giúp chúng ta nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ được đất nước trong bối cảnh an ninh thế giới đang có những chuyển biến phức tạp”

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước lấy KHCN làm động lực phát triển là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên việc triển khai lại chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần có cơ chế về tài chính làm động lực, khuyến khích và thu hút người tài về KHCN. Đào tạo ra những chuyên gia giỏi về KHCN tập trung vào những lĩnh vực mà kinh tế - xã hội đang cần thay vì dàn trải.

Huy Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang