Tìm hiểu tác hại của khoai tây mọc mầm

author 07:03 08/02/2015

(VietQ.vn) - Khoai tây là loại củ quả thường xuất hiện trong các bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, để có được bữa cơm ngon với món khoai tây cần phải hiểu biết kỹ về chúng một cách cụ thể.

Khoai tây là nguồn cung cấp vitamin C và B6, kali, mangan, chất xơ, photpho, niacin và axit pantothenic (vitamin B5). Thêm vào đó, khoai tây còn chứa nhiều dinh dưỡng thực vật, bao gồm carotenoid (một dạng sắc tố hữu cơ có tự nhiên trong thực vật, tảo, một vài loài nấm và một vài loài vi khuẩn), flavonoid (flavonoid trong tự nhiên có màu vàng, là 1 loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật) và axit caffeic. Tuy nhiên, cần phải chú ý những điều sau đây về khoai tây.

Khoai tây mọc mầm chứa độc tố

Khoai tây bình thường chứa nhiều tinh bột và chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên khi củ khoai đã mọc mầm thì tốt nhất là bỏ đi, bởi lúc này nó chứa một lượng lớn chất solanine và chaconine rất độc. Người dùng được khuyên, khi chế biến nên gọt bỏ phẩn củ đã biến thành màu xanh, tím hoặc chỗ nảy mầm, nhưng tốt nhất là vứt bỏ cả củ.

Độc tố có trong khoai tây mọc mầm

Độc tố có trong khoai tây mọc mầm

Điều này được lý giải như sau: Thông thường một số loại rau củ tự nhiên có thể tạo ra chất đề kháng nhằm chống lại nấm và sâu bệnh, đây là một phản ứng tự về tự nhiên. Khoai tây cũng vậy, nó tự tạo ra chất diệt trùng và chống nấm thiên nhiên tên là solanine và chaconine.

Ở điều kiện bình thường hàm lượng chất solanine và chaconine trong củ khoai tây rất ít, trong 100 gr khoai mới có 10 mg nên không gây ngộ độc. Khi khoai tây mọc mầm thì hình thành lượng chất này cao. Đặc biệt những chất này tập trung vùng vỏ khoai có màu xanh, tím.

Kể cả khi được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng, khoai tây có thể gây hại với những người bị béo phì hay tiểu đường. Chúng chứa nhiều cacbonhydrat, có thể dẫn đến việc tăng cân nhanh. Chúng sẽ gây bất lợi cho những người muốn giảm cân.

Thêm vào đó, khoai tây còn có chỉ số đường huyết cao, có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu và đẩy mạnh sản xuất insulin, do đó những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.

Ngộ độc solanine do độc tố trong khoai tây

Ngộ độc solanine chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Theo National Tropical Botanical Garden, khi bị trúng độc khoai tây, người bệnh có biểu hiện khô cổ họng, khó thở, nôn mửa, tê lưỡi, đau bụng tiêu chảy, chóng mặt… Trường hợp nặng thì nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột, sau đó co giật, hôn mê, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Ở hàm lượng lớn, ngộ độc solanine có thể gây tử vong. Có nghiên cứu cho rằng liều lượng từ 2- 5mg/kg thể trọng có thể gây triệu chứng ngộ độc và liều lượng từ 3-6mg/kg thể trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 8-12 giờ sau khi ăn, nhưng cũng có thể diễn ra trong vòng 30 phút khi ăn thức ăn có hàm lượng solanine cao.

Phần lớn solanine xuất hiện ở vỏ hay ngay dưới lớp vỏ của khoai tây. Khoai tây đã gọt vỏ chứa ít solanine hơn khoai tây chưa gọt vỏ. Khoai tây có màu xanh lục cần phải được gọt vỏ nếu có ý định chế biến. Solanine và chaconine cũng có mặt trong chồi khoai tây.

Ngọc Lưu


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang