Khoán chi bước ngoặt cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN

author 06:21 27/08/2014

(VietQ.vn) - Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013 sửa đổi, có nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý là việc khoán chi cho nhiệm vụ KH&CN để nhà khoa học tự chủ trong nghiên cứu, nhưng cũng đòi hỏi nghiêm ngặt hiệu quả đạt được theo hợp đồng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Các điều 23, 24 của chương 3 - Luật KH&CN nói về việc ưu đãi, sử dụng nhân lực khoa học, người tài KH&CN: Nhà khoa học (KH) đầu ngành tức người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học thì được hưởng lương, phụ cấp phù hợp với chuyên môn, năng lực của mình; Được ưu đãi về thuế, được tạo điều kiện làm việc. Nhà KH đầu ngành còn được giao chủ trì nhiệm vụ KH, được thành lập nhóm nghiên cứu, được phản biện độc lập, hưởng phụ cấp đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế...

Riêng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, ngoài hưởng lương phụ cấp ưu đãi đặc biệt, nhà ở công vụ... còn được điều động nhân lực, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH; thuê chuyên gia, mua sáng chế, thiết kế, tài liệu... nói gọn là được toàn quyền quyết định việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Khoán chi cho nhiệm vụ KH&CN

Khoán chi để nhà khoa học tự chủ trong nghiên cứu. Ảnh minh họa

Còn nhà khoa học trẻ được ưu tiên cấp học bổng nước ngoài,được thành lập nhóm nghiên cứu, được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học...

Từ những ưu đãi đó, Luật còn quy định, giao trực tiếp kinh phí cho nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, cho các nhiệm vụ thuộc về bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng, nhiệm vụ KH&CN đột xuất...

Về khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ; Nhiệm vụ KH&CN đã được xác định rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng; Nhiệm vụ KH&CN không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, vì có tính rủi ro cao...

Tiêu chí, quy trình thủ tục thực hiện khoán chi đang được Chính phủ xem xét ban hành Nghị định Quy định về đầu tư, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Dự thảo Nghị định này nêu rõ việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng phải đáp ứng các tiêu chí như xác định rõ tên, chất lượng, yêu cầu cần đạt, số lượng sản phẩm, quy mô, địa chỉ ứng dụng; Dự toán được tính đúng, tính đủ, và phải được phê duyệt.

Ngoài ra thủ trưởng các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ cần cam kết bằng văn bản chấp nhận phương thức khoán chi. Phải hoàn thiện thuyết minh nhiệm vụ và phải được phê duyệt của cấp thẩm quyền. Sau đó được quỹ phát triển KH&CN cấp kinh phí. Dự thảo nghị định nói trên cũng quy định cụ thể trường hợp nhiệm vụ KH&CN bị dừng, không hoàn thành... thì tỷ lệ kinh phí trả lại cho nhà nước là bao nhiêu.

Cũng theo dự thảo nghị định trên các nhiệm vụ sử dụng kinh phí nhà nước có thể được khoán chi từng phần, hay mua kết quả nghiên cứu KH và phát triển công nghệ. Người sử dụng kinh phí được khoán chi có quyền thay đổi mục chi, nội dung chi, quyết định định mức chi; Nếu có kinh phí tiết kiệm thì cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ được sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan chủ trì; Kinh phí khoán chi cũng cần có chứng từ đầy đủ theo thực chỉ; Chứng từ phải có đủ nội dung chủ yếu như: tên số hiệu; ngày, tháng, năm lập chứng từ; địa chỉ đơn vị cá nhân lập chứng từ...

Luật cũng quy định việc cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước: Phải kịp thời, kịp tiến độ; Kinh phí cấp phải thông qua quỹ phát triển KH&CN; Việc sử dụng phải theo ủy nhiệm chi của cơ quan chủ trì và quyết toán khi kết thúc hợp đồng không phụ thuộc vào năm tài chính.

Ngoài ra, Luật KH&CN cũng giành Chương IX quy định trách nhiệm quản lý chung về KH&CN của Chính phủ, Bộ KH&CN, của các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về KH&CN trong phạm vi thẩm quyền của mình. Riêng cấp tỉnh về nhiệm vụ KH&CN, Luật cũng nêu rõ: “Tiếp nhận, tổ chức, ứng dụng đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN do mình đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng sau khi được đánh giá nghiệm thu và định kỳ hàng năm gửi kết quả về Bộ KH&CN”.

Theo một số ý kiến của lãnh đạo các sở KH&CN trong cuộc Hội thảo, về giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng đề tài dự án khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, thời gian qua đề tài dự án cấp tỉnh thực hiện hàng năm chủ yếu là từ “cung”, tức là từ các đơn vị, viện trường đại học đăng ký, rồi sau đó cơ quan quản lý, sở KH&CN, hội đồng KH&CN xét chọn; Rất ít đề tài dự án từ “cầu” tức là đề tài đặt hàng từ lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị... Do đó đề tài nghiệm thu xong ít được ứng dụng nhân rộng. Khi xét duyệt, hay nghiệm thu đề tài, dự án có hiện tượng hội đồng khoa học chuyên ngành nể nang, vì cùng ngành, có khi thành viên hội đồng khoa học nguyên là học trò xét duyệt cho chủ nhiệm đề tài là thầy dạy của mình... Đó là chưa kể hiện tượng trùng lắp nội dung đề tài giữa các tỉnh với nhau.

Lâu nay các nhà khoa học, người thực hiện nhiệm vụ KH&CN có khó khăn là kinh phí cấp cho nhiệm vụ KH&CN bê trễ, phải “chạy” chứng từ khi thanh quyết toán. Nay thực hiện khoán chi theo Luật KH&CN năm 2013 sẽ giải thoát được trường hợp trên, để nhà khoa học toàn tâm toàn ý với công việc nghiên cứu của mình có kết quả.

Duy Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang