"Khóc" cho lòng tốt!

author 13:34 13/04/2014

(VietQ.vn) - Một cô gái bị cướp trên cầu Chương Dương hô hoán cầu cứu nhưng dòng người thờ ơ đi qua. Trong khi đó tại Huế, một người đàn ông nhảy xuống sông cứu người tự tử khi lên bờ bị lấy mất hết quần áo. Nhiều người chua chát "khóc" cho lòng tốt!

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển nhận định như vậy trước câu chuyện mới xảy ra tại TP Huế về người đàn ông bị mất sạch tư trang sau khi đã xả thân cứu người đuối nước.

Tại Huế, ngày 10/4 đã xảy ra một câu chuyện mà ai nấy nghe xong cũng phải bất bình. Anh Nguyễn Văn Tuân chỉ vì muốn cứu giúp một cô gái nhảy cầu đã vội vàng bỏ lại tư trang, xe máy… cho người đứng cạnh trông giùm. Thế nhưng, khi việc tốt làm xong, anh Tuân quay lên bờ thì chẳng còn thấy bóng dáng người đàn ông kia cùng quần áo, ví tiền và giấy tờ tùy thân của anh. Nhìn vẻ mặt dở khóc dở cười của người đàn ông sau khi làm việc tốt, nhiều người chỉ biết chép miệng, lắc đầu…Trước đó, trên mạng xã hội cũng không ít câu chuyện về sự vô ơn, quay lưng với lòng tốt…bởi nhân vật trong đó cho rằng: “ngu thì mới là người tốt”, lòng tốt là thứ xa xỉ…

Có lẽ đây là câu chuyện bi hài điển hình khi cùng một lúc xuât hiện cả tốt và xấu trong bối cảnh bất ngờ. Một bên là lòng tốt hy sinh cứu người-  hình ảnh đẹp đẽ bao nhiêu, lại gặp phải hành vi nhỏ mọn hèn kém bấy nhiêu. Đây là sự tấn công bất ngờ của cái xấu vào lòng tốt.

Anh Tuân- người bị mất hết tư trang sau khi xả thân cứu người, ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra với mình...

Ngày nay, chúng ta cảm thấy “KHÓC” cho lòng tốt chứ không phải vui vì lòng tốt đã không được đặt đúng chỗ, đền đáp đúng nghĩa mà luôn bị đặt vào hoàn cảnh ngang trái.

Câu chuyện đau thương về của người tốt trên cũng gợi lại cho tôi nhớ về bộ phim “Chuyện tử tế”. Dù vậy, cá nhân tôi vẫn cho rằng không nên quá bi quan. Trong hàng loạt cái xấu chúng ta vẫn thấy hình ảnh người tốt, những tấm lòng thánh thiện. Chỉ đáng tiếc là lòng tốt ngày nay không còn diễn ra nhiều như trước đây. Điều này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trong cuộc đấu tranh giữa tốt-xấu, nếu như gặp thái độ thờ ơ vô cảm xã hội thì đương nhiên lòng tốt của con người sẽ bị thu hẹp, cái xấu sẽ lấn lướt nhiều hơn. Xã hội nào cũng vậy thôi, đều có cái tốt, cái xấu quan trọng nhất vẫn là thái độ ứng xử của nền văn hóa xã hội ấy đối với chuẩn mực tốt- xấu có đảm bảo công bằng hay không? Công bằng ở đây được thể hiện qua việc cái xấu, cái ác có được trừng trị thích đáng hay không; cái tốt, cái thiện được tôn vinh như thế nào?

Tinh thần “tương thân tương ái” là bản chất văn hóa của người Việt, sao bây giờ lại thấy nhiều cảnh trái ngược  bản sắc văn hóa như vậy? Rõ ràng trong xã hội ngày nay, cách nhìn nhận, khuyến khích việc tốt vẫn chưa đủ trong khi đó cái xấu lại dễ lộng hành, con người vì lợi ích bản thân vẫn nhởn nhơ lừa dối người khác bằng những việc làm giả tạo!

Có quá nhiều thứ giả dối chưa bị trừng phạt như hàng giả, bằng cấp giả, danh hiệu giả…ngay cả con người cũng giả! Tất cả đều chưa bị trừng phạt về mặt pháp luật cũng như về văn hóa, tạo sự bất an trong giá trị sống của con người khiến họ bị mất lòng tin vào những thứ tốt đẹp xung quanh và ngay cả điều tốt đẹp do người khác mang lại cho mình. Chính vì vậy con người không có động lực làm những điều tốt đẹp cho người khác.

Không phải xã hội ngày nay thiếu lòng tốt nhưng lại quá ít được nhắc tới, được tôn vinh nêu gương trong sự công bằng xứng đáng. Thử lướt qua trang báo, đều thấy hiện lên cái xấu nhan nhản trong khi hiếm thấy được gương người tốt.

Người tốt ngày càng ngại làm việc tốt, bởi họ nghĩ đơn giản chẳng ai tốt với mình việc gì mình phải giúp người khác. Nhất là trong bối cảnh xã hội quá nhiều tiêu cực, khi làm việc tốt người ta còn sợ bị dính vào những phiền phức  rắc rối. Chính tâm lý này khiến người tốt thu mình lại, và khi đó họ càng cảm thấy những ai làm việc tốt là sự khác thường!

Trong mỗi một xã hội những giá trị lối sống lại được biểu hiện khác nhau. Có thể trước đây thời kháng chiến, người ta còn không tiếc tính mạng để cứu đồng đội, thì bây giờ long tốt cho đi không còn được vô tư trong sang nữa.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mọi thứ được đo đếm bằng đồng tiền, tất nhiên, mọi người cũng vì lợi ích bản than chạy theo kiếm tiền bằng mọi cách. Khi xã hội được giải phóng, cái tôi được giải phóng nên có lẽ phần cá nhân  trong mỗi con người quá lớn, người ta ít muốn nghĩ về người khác. Trong các mối quan hệ người ta cũng không đặt mình vào vị trí người khác mà chỉ nghĩ về bản thân, gia đình mình thôi. Vậy nên, ngày nay trước khi muốn làm việc tốt, người ta đều bị chi phối bởi suy nghĩ liệu lợi ích của mình có bị xâm phạm hay không nên cũng không còn vô tư nữa.

Tất nhiên đây cũng sẽ chỉ là biểu hiện trong giai đoạn chuyển mình của xã hội. Quan trọng cần có định hướng đúng chúng ta sẽ điều chỉnh được… Mỗi người hãy bắt đầu, làm lại từ những thứ nhỏ nhất. Tạm gạt bỏ những gì bon chen, xấu xa trong xã hội, chúng ta hãy giành thời gian cảm hóa ngay từ những thành viên trong gia đình. Có như vậy mới hy vọng xây dựng được chuẩn mực văn hóa xã hôi tốt đẹp hơn.

Mới đây báo chí đăng tin một cô gái bị cướp trên cầu Chương Dương mà không ai giúp. Nhiều người đã chứng kiến nhưng tất cả đều thờ ơ bỏ đi.

Cô gái này tâm sự: Khoảng 20h30 ngày 6/4, trên đường đi giao túi cho khách hàng tôi bị một kẻ lạ mặt bám theo từ đoạn đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội). Khi đi qua cầu vượt Chương Dương thì kẻ đó phóng rất nhanh theo tôi rồi hét lên: "Con túi hồng kia dừng lại". Linh tính mách bảo có điều không lành, tôi liền phóng xe thật nhanh đến vòng xuyến (chỗ cua sang nội thành trên cầu Chương Dương, có trạm cảnh sát giao thông hay đứng).

Tôi xác định phải đâm thẳng xe vào trạm giao thông đó để cầu cứu. Tôi thật không may vì lúc này các đồng chí ấy đã nghỉ và không ai còn đứng ở đó. Tôi vội vàng xi nhan rẽ sang bên tay phải (đoạn đi thẳng về gầm cầu Long Biên). Vì tay lái yếu, lại vào cua nên tôi giảm tốc độ và bị kẻ đó áp sát đến và chặn xe lại.

Hắn quát lớn: "Xuống xe". Tôi hoảng loạn nhìn xung quanh tìm sự giúp đỡ và nói: "Sao chú lại chặn xe cháu". Hắn dựng xe xuống hùng hổ và bặm trợn gằn giọng: "Bố mày không cướp của mày đâu, mày xuống khỏi xe nhanh".

Lúc này tôi biết chắc mình đã gặp cướp nên khi thấy một tốp xe đi qua, tôi kêu lên: "Cướp! Cướp, mọi người giúp tôi với". Đáp lại sự hoảng loạn kêu cứu của tôi là sự vô tâm thờ ơ của tất cả đoàn xe đi qua, họ chỉ đi chậm lại nhìn rồi bỏ đi.

 

Hoàng Vũ (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang