Khơi dậy nguồn lực khoa học và công nghệ vùng Tây Bắc

author 06:59 22/10/2014

(VietQ.vn) - Vùng Tây Bắc của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, nhiều tài nguyên khoán sản và du lịch phong phú, có thể thu hút đầu tư và phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) mạnh mẽ tại vùng này.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Không phải ngẫn nhiên mà ngày 01/7/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã ký Quyết định số 1847/QĐ-BKHCN thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, mã số KHCN-TB 13-18 (gọi tắt Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Tây Bắc Hội thảo

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Tây Bắc Hội thảo "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Ảnh: N. Nam

Chương trình nói trên được khởi động bởi theo tính toán của Bộ KH&CN, vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Theo kế hoạch, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” được phân kỳ làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2013 - 2015) và giai đoạn 2 (2016 - 2018).

Cụ thể, giai đoạn 1 (2013 - 2015) tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Đồng thời, Chương trình sẽ triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế xã hội cho một số địa phương, khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp KH&CN sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Vào giai đoạn 2 (2016 - 2018), Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả KH&CN, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và sản xuất và xây dựng mô hình phát triển; đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Kề từ năm 2013, Chương trình đã có 05 đề tài đã được phê duyệt. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) xác định Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai nghiên cứu khoa học và việc xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Tây Bắc Hội thảo

Nhiều nhà khoa học tham gia vào Hội thảo "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Ảnh: N. Nam

Cùng với nhiệm vụ này, việc đánh giá các chương trình mục tiêu, chính sách hiện hành tại vùng Tây Bắc sẽ củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn hỗ trợ cho các nhà quản lý phát huy hiệu quả của các chính sách cũng như những hạn chế, bất cập. Để từ đó điều chỉnh, đổi mới các chính sách, chiến lược phát triển vùng phù hợp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình. Đây chính là khung phân tích quyết định kết quả thành công của các nghiên cứu. Nhiệm vụ này cần phải được xác định đúng đắn, rõ ràng với tính thiết thực, khả thi và hiệu quả cao; cần được trao đổi và lấy ý kiến rộng rãi trong cả ba nhóm nhà quản lý, nhà sử dụng và nhà khoa học.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Tây Bắc cho rằng, Tây Bắc là một vùng có vị trí quan trọng về cả kinh tế - xã hội cũng như chính trị của cả nước. Tuy được đánh giá là vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, tiềm năng du lịch không nhỏ nhưng vùng Tây Bắc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do vùng Tây Bắc chưa khơi dậy được nguồn lực KH&CN, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế.

"BCĐ Tây Bắc, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính và các Bộ, ngành và nhất là với các địa phương trong vùng cần phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai các nhiệm vụ Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đúng tinh thần thiết thực, khả thi, hiệu quả; hết sức tránh tình trạng nghiên cứu hàn lâm, kinh viện, trùng lắp, lãng phí, xa rời thực tế. Các nhà khoa học tham gia Chương trình tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa cả về trí tuệ và tâm huyết để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn của vùng Tây Bắc. Kết quả từng đề tài, từng dự án phải trả lời được câu hỏi sẽ đóng góp cái gì, ở mức độ nào để giúp Tây Bắc phát triển bền vững, đời sống các đồng bào các dân tộc được cải thiện, bớt khó khăn hơn, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc hơn", Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

Vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây cũng là địa bàn sinh sống của trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó khoảng 63% là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Vùng Tây Bắc giàu có tiềm năng, với lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây là nơi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu đối với sự phát triển bền vững của Vùng và của cả nước.

Vùng này có nguồn tài nguyên văn hóa - nhân văn to lớn và phong phú, đặc biệt là kho tàng tri thức bản địa và di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc, như Thái, Mường, H’mông, Dao, Tày, Nùng vv… Đây cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng thế giới. Trong lịch sử cũng như hiện tại, vùng Tây Bắc luôn luôn có vị thế địa - chính trị vô cùng quan trọng, liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước.

Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" gồm 4 mục tiêu cơ bản sau đây:

1. Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ điều chỉnh, xây dựng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.

2. Đề xuất các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp cho một số tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Bắc.

3. Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

4. Xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất giải pháp phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Hồng Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang