Khởi động triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Bắc Kạn

author 17:08 01/07/2021

(VietQ.vn) - Nhằm đẩy mạnh hoạt động triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm thúc đẩy triển khai hoạt động này.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và ông Lê Văn Thế, Phó giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn tham gia điều hành cuộc họp.

Các bước triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc (TXNG) tại tỉnh Bắc Kạn bao gồm: Lập danh mục sản phẩm ưu tiên, đề xuất chính sách hỗ trợ; Tuyên truyền, tập huấn cho các bộ, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin TXNG tại tỉnh; Triển khai mô hình thí điểm cho các sản phẩm ưu tiên; tổ chức đào tạo cho hộ sản xuất, doanh nghiệp và hỗ trợ một phần chi phí TXNG; tổ chức triển khai TXNG đa lĩnh vực trong phạm vi toàn tỉnh.

Cuộc họp trực tuyến giữa Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn về triển khai Đề án 100.

Theo ông Lê Văn Thế, Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn, ngày 09/9/2020, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1633/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc của tỉnh trên nghiên cứu nhu cầu của thị trường xuất khẩu và yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn áp dụng về truy xuất nguồn gốc với sự tham gia của các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn;

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm của tỉnh đảm bảo kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia;

Phấn đấu 50% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc và đạt tối thiểu 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng mã số - mã vạch tại tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa tham gia chương trình OCOP của tỉnh.

Cũng theo ông Thế, Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến giai đoạn 2026-2030 đảm bảo hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh với 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng mã số - mã vạch tại tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa tham gia chương trình OCOP.

Bắc Kạn hiện có 313 sản phẩm OCOP, dự kiến sẽ có 3-5 sản phẩm sẽ được áp dụng TXNG và trở thành mô hình điểm về TXNG tại địa phương này.

 Sản phẩm miến dong - sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Kạn dự kiến sẽ thực hiện TXNG.

Theo đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bắc Kạn, địa phương này hiện có khá nhiều hàng hóa nông sản thực phẩm nhưng hầu hết chỉ dừng ở mức truy xuất hàng hóa. Do đó, việc triển khai TXNG cho nông sản của địa phương sẽ giúp sản phẩm nâng cao giá trị, giúp doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng.

Thông tin từ Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, đến nay đã có 49/63 tỉnh thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; 41 địa phương đã tổ chức một số hội thảo tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về TXNG; 37 địa phương tổ chức một số hội thảo tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về TXNG cho các đối tượng liên quan; 23 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động TXNG.

Với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Đề án 100, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia giữ vai trò hỗ trợ, đồng hành, phối hợp cùng Sở KH&CN các tỉnh, thành phố thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc, đảm bảo được các mục tiêu theo Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” đã đặt ra.

Chuẩn hóa, đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm (VietQ.vn) - Hiện tại, việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa được thực hiện thông qua các mã vạch, mã QR. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này.

 Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang