Khởi nghiệp trong CMCN 4.0: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tránh dừng ở bề nổi

author 19:36 26/08/2017

(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các chương trình khởi nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0, tránh chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Sự kiện: Khởi nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0), để tránh chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra xuất phát từ việc gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng khởi nghiệp trong CMCN4.0 đang được các startup Việt Nam nắm bắt nhanh, tuy nhiên nếu không có sự đầu tư, tìm hiểu theo chiều sâu và sự chuẩn bị kỹ thì chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Trước đó, theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, có sức sống như thời gian vừa qua. Cùng đó, việc khơi gợi và thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, khát vọng khởi nghiệp sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển của các quốc gia khởi nghiệp.

Khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 tránh dừng lại ở bề nổi

Tuy nhiên nhận định về cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá không ít startup còn mang tính phong trào, non trẻ trong kinh nghiệm và kiến thức, nhiều dự án đã phải phá sản chỉ trong năm đầu tiên.

Chia sẻ tại diễn đàn “Sáng tạo trong kỷ nguyên cách mạng 4.0” mới được diễn ra, ông Đỗ Đăng Dương, Giám đốc Kinh doanh công ty cổ phần Lumi Việt Nam cho biết, bên cạnh sản phẩm, mỗi startup, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải có những thay đổi.

Theo ông Dương, trong cuộc CMCN4.0, Việt Nam có lợi thế ở cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển về công nghệ thông tin. So với 3 cuộc cách mạng trước, lần này, chúng ta không bị bỏ quá xa. Tuy vậy, hệ sinh thái kinh doanh - khởi nghiệp Việt Nam bị chi phối bởi suy nghĩ phải “dẫn đầu - đi tắt đón đầu”. Chúng ta đang quên đi rằng vấn đề không phải nằm ở “đi trước - đi sau” mà là “đi bao lâu và bao xa”. Việc nắm bắt công nghệ như thế nào, tận dụng được bao nhiêu để phát triển thị trường mới là điều quan trọng. Mỗi người cũng cần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, am hiểu thị trường, nâng cao tính kỷ luật và tinh thần làm việc.

Ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập tổ hợp giáo dục trực tuyến Topica cho biết xu hướng của công nghệ giáo dục trong thế giới hiện nay là sản xuất ra hàng chục, hàng trăm nghìn khóa học vì không thể đoán trước được sẽ cần các kỹ năng, kiến thức gì trong một tương lai luôn thay đổi. Song, việc cạnh tranh giữa các startup, công ty nước ngoài tại Việt Nam sẽ tạo thêm lực đẩy, mang về những công nghệ mới và mở ra các thị trường ngách cho startup trong nước khai thác.

 Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang