Khởi tố 381 vụ án về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

author 13:21 28/04/2016

(VietQ.vn) - Thống kê của Bộ KH&CN, trong Chương trình 68 giai đoạn II, đã có 381 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị khởi tố, với 12 vụ án hình sự.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Sáng nay 28/4 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn II (2012-2015) - gọi tắt là Chương trình 168 giai đoạn II.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh chủ trì Hội nghị với sự tham gia của đại diện 09 bộ, ngành là các thành viên của Chương trình 168; đại diện một số Sở Khoa học và Công nghệ địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh chủ trì Hội nghịThứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh chủ trì và phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn là vấn đề bức xúc của toàn xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết quốc tế của Việt Nam.

"Hành vi xâm phạm quyền SHTT diễn ra đối với hầu hết các đối tượng SHTT: Từ các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, phần mềm máy tính đến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Thứ trưởng cho rằng: "Trên thị trường, hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền ngày càng tinh vi và khó phân biệt. Đặc biệt, những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh hay nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm. Hành vi xâm phạm quyền SHTT còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, đồ uống..."

Theo ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự).

Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng các loại; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại và hàng triệu sản phẩm điện, điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, lương thực, thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHTT.

Đông đảo các đại diện đến từ 9 bộ ngành liên quan dự Tổng kết chương trình 68 giai đoạn IICác đại diện đến từ 9 bộ ngành, địa phương tham dự Tổng kết Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - Chương trình 68 giai đoạn II

Ông Trần Minh Dũng cho biết, để nâng cao năng lực, thời gian qua hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT đã được đẩy mạnh để tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, các cơ quan thực thi quyền SHTT của các bộ, ngành thành viên. Ban thường trực và Cơ quan thường trực Chương trình 168 giai đoạn II (Thanh tra Bộ KH&CN) đã hợp tác với các đối tác nước ngoài tổ chức nhiều sự kiện về thực thi quyền SHTT như: Tổ chức SHTT thế giới (WIPO); Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA); Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản (METI); Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Hội SHTT Nhật Bản (JIPA); Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV); Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL); Dự án KOICA Hàn Quốc.

Ông Trần Minh Dũng đánh giá, Chương trình 168 đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Mặc dù còn có những tồn tại cần khắc phục, nhưng hiệu quả mà các hoạt động của Chương trình mang lại là rất đáng ghi nhận và cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới nhằm khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế về SHTT khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang