Không chăm chỉ, không sáng tạo, thì đừng khởi nghiệp

author 13:31 18/02/2015

Nhận chức phó trưởng khoa của một trường đại học lớn với tương lai đầy hứa hẹn để dấn thân vào vòng xoáy khởi nghiệp, bắt đầu lại từ con số 0, Nguyễn Hoài Phương là hình ảnh tiêu biểu cho một thế hệ đầu 8X dám nghĩ, dám làm và sống hết mình vì đam mê tuổi trẻ.

chăm chỉ, sáng tạo, khởi nghiệp, thế hệ 8x, tuổi trẻ, đam mê, giảng viên, kinh doanh

Tốt nghiệp thủ khoa tài chính ngân hàng Đại học Monash, Australia theo học bổng AusAID, có một công việc chuyên môn đáng mơ ước tại một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhưng lại chuyển qua làm giảng viên đại học. Nhận chức phó trưởng khoa chưa lâu thì lại từ bỏ công việc ổn định với tương lai đầy hứa hẹn để dấn thân vào vòng xoáy khởi nghiệp, bắt đầu lại từ con số 0. Tâm sự của chị Nguyễn Hoài Phương, CFA, MBA, Giám đốc điều hành Công ty AFTC chuyên về Đào tạo và Dịch vụ Kế toán thuế, làm khơi dậy hình ảnh của một thế hệ đầu 8X dám nghĩ, dám làm và sống hết mình vì đam mê tuổi trẻ.

Lý do gì khiến chị từ bỏ những công việc ổn định và đáng mơ ước để khởi nghiệp, để bước chân vào chặng đường không hề êm ả?

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi thời trẻ cũng luôn mong muốn khám phá những cái mới, thử nhiều lĩnh vực khác nhau để khám phá những khả năng khác nhau của chính bản thân mình. Mục tiêu sự nghiệp của tôi chưa bao giờ là “công việc ổn định”, “công việc nhiều người mơ ước”, mà là “mình ngày hôm nay phải giỏi hơn nhiều so với mình ngày hôm qua”. Phải được học hỏi cái mới, phải giỏi hơn, biết nhiều hơn mỗi ngày, mỗi tuần thì tôi mới cảm thấy hạnh phúc được. Tôi nghĩ đó là lý do mà tôi hay lựa chọn những con đường gai góc để đi, để khám phá.

Công việc nào khiến chị yêu thích nhất?

Mỗi công việc từng làm, tôi đều trân quý lắm, vì nó đều giúp tôi trưởng thành lên. Treasury dealer (kinh doanh ngoại tệ và các sản phẩm tín dụng) tại một ngân hàng là công việc mà tôi từng mơ ước từ thời năm cuối đại học, vì nó đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng rất cao. Thật may mắn là dù chưa từng có kinh nghiệm làm ngân hàng nhưng qua 4 vòng phỏng vấn, tôi đã thuyết phục được các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng Mizuho tin vào năng lực và tinh thần làm việc của mình, và đã vượt qua các ứng cử viên nặng ký khác.

Cho tới giờ tôi vẫn yêu thích công việc treasury dealer lắm, nhưng cái ham muốn thử sức mình cộng với cái duyên đưa đẩy khiến tôi chuyển sang công việc giảng dạy Tài chính bằng tiếng Anh cho sinh viên đại học, một thử thách mới hoàn toàn, với mục đích ban đầu là vượt qua sự nhút nhát cố hữu của bản thân khi phải nói trước đám đông.

Thế còn công việc hiện tại, chị có định gắn bó lâu dài hay sẽ tiếp tục thay đổi?

Thú thực là ý định ban đầu cũng không nghiêm túc đâu, chỉ định làm cô giáo một hai năm rồi lại chuyển qua nghề khác, vì tuổi trẻ hay mắc bệnh “mau chán”, thế nhưng cái nghiệp giảng dạy nó lại theo mình cho tới tận bây giờ, cả một thập kỷ rồi. Tại AFTC, công ty bây giờ, tôi còn giảng dạy với tần suất lớn hơn, mức độ chuyên sâu và áp lực lớn hơn gấp nhiều lần so với hồi còn giảng ở trường.

Từ một giảng viên đại học lại chuyển sang kinh doanh đầy rủi ro, liệu chị có sợ hay băn khoăn gì không?

Cách đây sáu năm, khi đã có một chồng và một con nhỏ 3 tuổi, tôi xin nghỉ việc ở trường Đại học bề thế 50 năm tuổi, từ bỏ một vị trí cao và một tương lai hứa hẹn, đểgây dựng một công ty start up với tuổi đời hơn 1 năm, với lợi nhuận âm, tiền vốn cả tỷ đồng đã tiêu hết sạch, và một tương lai mịt mù. Giờ nhìn lại thấy sợ, nhưng không hiểu sao hồi trẻ chẳng nghĩ gì, chẳng băn khoăn gì nhiều, chỉ thấy thích vì được khám phá một trọng trách mới, được thử duyên và thử sức với kinh doanh, và chỉ biết tự nhủ là bất cứ việc gì cũng phải luôn cố gắng làm cho thật tốt, chứ làm gì có vision, strategy… rõ ràng như lý thuyết được học ở trường.

Giờ thì AFTC đã trở thành công ty đào tạo tài chính được rất nhiều người biết đến, là công ty duy nhất tại Việt Nam đào tạo chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst) tuân thủ theo chuẩn đào tạo của Học viện CFA và cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam phát triển được cả ba khóa học cả ba cấp độ của kỳ thi CFA tại cả hai thành phố Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Dù bấy nhiêu chưa nhiều nhưng tôi thấy rất hạnh phúc vì chắc chắn mình và các đồng nghiệp của mình đã đóng góp được một phần vào sự phát triển của nhân sự tài chính nước nhà.

chăm chỉ, sáng tạo, khởi nghiệp, thế hệ 8x, tuổi trẻ, đam mê, giảng viên, kinh doanh

Chị Nguyễn Hoài Phương tại sự kiện do CFA Institute tổ chức.

“Start up” là một cụm từ khá hot với giới trẻ hiện nay. Cũng từng là người khởi nghiệp và thành công, chị thấy khởi nghiệp giờ với cách đây 6- 7 năm có khác gì nhau?

AFTC năm nay là được 8 tuổi, không dám nhận là thành công, vì khái niệm này cũng hết sức tương đối. Quan điểm điều hành công ty của tôi cũng giống như việc nuôi con. Ba năm đầu là khó khăn nhất, con còn nhỏ còn nhiều đau ốm, phải chăm nhiều. Qua 3 tuổi thì ít ốm hơn, và sau 5 tuổi sang tuổi thứ 6 đi học lớp 1 thì vững vàng trưởng thành hơn nhiều. Thành công là một danh từ xa xỉ, chỉ đơn giản thấy mỗi năm trôi qua, con mình vẫn ngày càng lớn khôn, vẫn ở bên mình, là vui thôi.

Việc lập và vận hành một công ty mới thời nay dễ và rẻ hơn so với xưa, do có nhiều dịch vụ như dịch vụ lập công ty trọn gói, dịch vụ outsourcing như kê khai kế toán thuế, marketing, website, văn phòng ảo… Các bạn trẻ còn tận dụng được những phương tiện truyền thông miễn phí nhưng có sức lan tỏa nhanh như các mạng xã hội, các forums… để quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Tôi nghĩ đó là lợi thế nhưng cũng là thách thức, vì cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn, khách hàng sẽ “khôn” hơn và thận trọng hơn với các chiêu trò quảng cáo ảo, lượng thông tin mỗi người tiếp nhận sẽ nhiều hơn nên sẽ phải luôn nghĩ ra một thông điệp gì đó thật đặc sắc để gây ấn tượng.

Chị có chia sẻ gì cho những người trẻ mong muốn khởi nghiệp?

Tuy nhiên điểm cốt lõi không thay đổi trong bất kỳ thời đại nào, đặc biệt là trong thời đại nhiều thứ ảo như ngày nay, là muốn tồn tại và phát triển thì phải không ngừng tạo ra được giá trị lợi ích thật, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng thật để giữ chân khách hàng dài lâu. Chứ trong 100 công ty start up, kể cả những công ty được lập ra từ những ý tưởng kinh doanh rất hay có khi chỉ có một hai chục công ty sống được qua 5 năm. Và để đạt được điều đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu và làm việc không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, là vô vàn những hy sinh đánh đổi.

Nếu các bạn trẻ có một ý tưởng độc đáo, sáng tạo, hoặc có một thế mạnh đặc biệt nào đó (và có nguồn vốn), các bạn có cơ sở ban đầu để khởi nghiệp, nhưng chưa đủ. Các bạn sẽ vẫn phải luôn sáng tạo trong quá trình vận hành, sáng tạo để cải tiến từ những điều rất nhỏ nhất mỗi ngày, như cách làm việc, cách tạo động lực cho nhân viên, cách giao tiếp lấy lòng từng khách hàng… Nếu không phải là một con ong làm việc chăm chỉ, không ngừng tư duy sáng tạo, đổi mới thì tôi khuyên các bạn đừng khởi nghiệp.

Theo Trí Thức Trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang