Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Không chấp nhận dùng kháng sinh thiếu kiểm soát

author 06:14 24/02/2017

(VietQ.vn) - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, ngành nông nghiệp cần xây dựng nền nông nghiệp xanh và không chấp nhận việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thiếu kiểm soát.

Sự kiện: Khoa học công nghệ và Nông thôn

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết việc thiện đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp cần cương quyết, kiên trì, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, bền vững và không chấp nhận việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thiếu kiểm soát.

"Ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa hướng tới sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giữa người sản xuất và người tiêu dùng theo mô hình khép kín. Đây cũng là cách để tạo được sản phẩm nông nghiệp an toàn" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng sản xuất nông nghiệp phải tích tụ được ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn. Do đó, phải sửa đổi Luật Đất đai cũng như cương quyết xử lý việc sử dụng đất không hợp lý của các tổ chức, cá nhân. Việc này phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp được dự báo là tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải giữ được nguồn nước, phân phối điều hòa nguồn nước từ sông hồ đến công trình thủy lợi, mạng lưới tưới tiêu… Như vậy, phải giữ được rừng đầu nguồn, để người dân sống được dưới tán rừng. Đơn vị sử dụng nguồn nước phải trả phí cho người giữ rừng.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng để năm 2020 cả nước có 50% số xã đạt chuẩn thì vấn đề quan trọng là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT. Ảnh VGP

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho rằng, Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ban hành chưa bao lâu nhưng đã phải sửa đổi. Hiện một số doanh nghiệp đã có đầu tư vào nông nghiệp nhưng mới chỉ bước đầu.

Cần tranh thủ nguồn lực đầu tư nước ngoài để tận dụng các ứng dụng về khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý… thì giá trị nông lâm thủy sản Việt Nam sẽ được nâng lên rất nhiều

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, triển khai kế hoạch trong năm 2017 với những dự báo khó khăn và thách thức chưa giảm, ngành nông nghiệp kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm, thực hiện giám sát các nhiệm vụ của ngành cũng như ưu tiên phân bổ tăng nguồn lực cho ngành trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách tín dụng, thương mại, phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư xã hội cho ngành.

Trong xây dựng NTM, hết năm 2016, cả nước đã có 2.235 (25,07%) xã đạt chuẩn NTM; còn 261 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,36%). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,45 tiêu chí/xã; 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, các địa phương nợ đọng trong xây dựng NTM đã chủ động xử lý. Cụ thể, 17/25 địa phương có số nợ lớn đã giảm được 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng số nợ. Đến tháng 12/2016, số nợ còn khoảng 9.654 tỷ đồng (tại thời điểm 31/1/2016 là 15.277 tỷ đồng).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ NN&PTNN đã xây dựng kế hoạch tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM. Theo đó, ngành sẽ thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đổi mới và hoàn thiện chính sách đất đai, tín dụng, thương mại, thuế và chính sách thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công và tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước, năng lực cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, nâng cao hiệu quả đào tạo lao động nông nghiệp, chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của lao động, doanh nghiệp, thị trường.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tiến tới một nền nông nghiệp hữu cơ…

 Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang