Không chia cổ tức, MaritimeBank vẫn còn nhiều 'bừa bộn' sau ba năm sáp nhập

author 09:14 04/04/2019

(VietQ.vn) - Trong khi các ngân hàng lần lượt niêm yết và bứt tốc lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong khoảng hai năm gần đây thì Maritime Bank chưa thể lên sàn, lợi nhuận chỉ xoay quanh hơn trăm tỷ.

Sự kiện: Góc khuất tại Ngân hàng Maritime Bank

Nhiều năm liền không cổ tức, quy trình kiểm soát rủi ro, quản lý nội bộ, văn bản đến việc niêm yết trong bối cảnh những ngân hàng tương đương quy mô vốn, tài sản đều lần lượt lên sàn… đã từng khiến các kỳ đại hội Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - Mã: MSB) nóng hơn bao giờ hết. Và, nội dung nãy ắt sẽ là một trong những thắc mắc của cổ đông cho kỳ đại hội sắp tới.

Còn nhớ tại mùa đại hội năm 2018, bước vào phần thảo luận, nhiều cổ đông thể hiện quan điểm bức xúc về vấn đề cổ tức khi đã liên tiếp 6 năm liền ngân hàng không thực hiện chia cổ tức, khác với kế hoạch đề ra đầu năm. Nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này được đặt ra.

 
“Tôi mua cổ phiếu từ 2008, được 3 năm đầu tiên có chia cổ tức. Từ năm 2012, hoàn toàn không có một xu cổ tức nào cả. Đây là ý nghĩ của tất cả cổ đông có mặt ở đây ngày hôm nay. Chúng tôi là thành phần về hưu rồi và không có nhiều tiền. Ít ra tôi gửi ngân hàng, tôi còn được hưởng lãi suất, tôi có tiền tiêu. Người mua từ năm 2008, người mua mới đây. Vậy cách thức chia cổ tức như thế nào để công bằng cho các cổ đông?”, một cổ đông bức xúc bày tỏ tại đại hội.
 

Quay trở lại để nói thêm về ngân hàng này, tháng 8/2015, Maritime Bank đã tiến hành nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB). Với sự cộng hưởng từ MDB, Maritime Bank được bổ sung nguồn lực với vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người; tổng tài sản là 113.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, tổng tài sản của Maritime Bank có phần sụt giảm, cơ cấu tài sản cho thấy hoạt động ngân hàng phụ thuộc phần lớn vào chứng khoán đầu tư thay vì kinh doanh cốt lõi là cho vay. Bên cạnh đó, tiền gửi và cho vay TCTD có phần lấn át cho vay khách hàng. Những điều này rất khác so với các ngân hàng cùng quy mô trên thị trường. 

Với tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng thấp trong tổng tài sản, kết quả kinh doanh qua các năm của Maritime Bank tập trung khá nhiều vào lãi từ chứng khoán đầu tư, hoạt động khác và thu nhập góp vốn, mua cổ phần; trong khi thu nhập từ lãi thuần tăng giảm thất thường. Đặc biệt trong bối cảnh đông đảo ngân hàng đang gia tăng mạnh mảng thu nhập từ dịch vụ, Maritime Bank cũng không cho thấy rõ nét sự chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận sang hoạt động dịch vụ khi chỉ chiếm vài chục tỷ động.

Mặc dù nhiều mảng kinh doanh khởi sắc nhưng chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục ăn mòn hầu hết lợi nhuận của Maritime Bank. Trong khi các ngân hàng cùng quy mô vốn hay tài sản đều đã lần lượt niêm yết và bứt tốc với lợi nhuận nghìn tỷ thì Maritime Bank vẫn chưa thể lên sàn, lợi nhuận chỉ hơn trăm tỷ đồng. Hiện Maritime Bank đứng thứ 8 về vốn điều lệ trong các ngân hàng, vượt những ngân hàng đang niêm yết như ACB hay SHB, tuy nhiên quy mô tài sản lại đứng sau rất nhiều ngân hàng vốn điều lệ thấp chỉ vài nghìn tỷ đồng như LienVietPostBank, TPBank hay VIB. 

Tính đến 31/12/2018, nợ nhóm 3, 4, 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) của MSB tăng từ trên 805 tỷ đồng hồi cuối năm 2017 lên trên 1.465 tỷ đồng, chiếm gần 3,01% tổng dư nợ, tăng cao so với mức 2,23% của năm 2017. Đặc biệt, nếu chỉ xét riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong năm 2018 của MSB đã tăng từ 640,331 tỷ đồng cuối năm 2017 lên tới trên 1.242,5 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi.

Trong khi đó, về quyền lợi của cổ đông, điệp khúc "Năm nay chúng ta sẽ không chia cổ tức" đã trở thành câu nói quen thuộc mà cổ đông của Maritime Bank phải nghe triền miên vài năm nay và thậm chí là cả năm sau. 

Cổ đông cho rằng, Maritime Bank sai quy trình rất nhiều từ quản lý rủi ro, quản lý nội bộ đến các văn bản nội bộ. Cổ đông nêu ví dụ quy trình quản lý công nợ ngân hàng có nhưng không tuân thủ, cán bộ ngân hàng không làm tốt vấn đề đó, kiểm soát không chặt chẽ. "Quy trình quản lý có nhưng xuống các chi nhánh, mỗi nơi lại có quy trình của riêng mình, hệ thống văn bản chồng chéo", một cổ đông từng nêu ý kiến.

Còn tiếp...

An Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang