Không có chuyện 90% lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt

author 17:07 29/01/2018

(VietQ.vn) - Trước những thông tin cho rằng con số 90% số lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa đã lên tiếng phủ nhận.

Theo ông Sưa, thông tin trên là sai lệch, thực tế không đến mức đó và chỉ chiếm một lượng nhỏ.

Trước đó, Bộ Công Thương đã phát đi thông cáo liên quan tới việc thời gian vừa qua một số cơ quan báo chí dẫn nguồn tin nước ngoài cho rằng "90% thép Việt Nam vận chuyển sang Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung Quốc".

 Ông Nguyễn Văn Sưa  - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Số liệu thống kê của hải quan cho thấy có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết.

Bắt đầu từ năm 2018, theo FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), 588 dòng thuế sẽ được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0% vào năm nay, trong đó các mặt hàng chính là sắt thép và sản phẩm sắt thép.
Ông Sưa nhận định: Theo ACFTA, thuế xuất khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép Trung Quốc sang thị trường ASEAN giảm xuống còn 0%. Điều này dẫn đến lượng thép từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có thể tăng lên. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời để ứng xử với động thái này.

“Đầu tiên, chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép trong nước so với thép nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cần sử dụng thành thạo những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thép trong nước. Những biện pháp này được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thành thạo, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu”, ông Sưa nói.

Đề cập đến thông tin thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ông Sưa cho rằng, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng. Từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa).

Vấn đề khó khăn nhất vẫn là mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (19 U.S.C 1862) nhằm xác định sản phẩm thép có đang nhập khẩu vào Mỹ với số lượng hoặc trong hoàn cảnh mà làm suy yếu an ninh quốc gia không. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất mà ngành thép Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội Thép, năm 2018 ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm 2018.

Dự báo toàn ngành sẽ tăng trưởng sản xuất khoảng 20 - 22%, trong đó thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng tăng 154%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.

Thép nhập khẩu: Việt Nam điều tra chống bán phá giá​ thép Trung Quốc(VietQ.vn) - Thép nhập khẩu chữ H từ Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) nằm trong diện điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá vừa được Bộ Công Thương công bố.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang