Không còn bảo hộ, DN mía đường nắm chắc lao đao

author 14:38 23/12/2013

(VietQ.vn) - Không duy trì bảo hộ mía đường dưới nhiều hình thức, hoàn toàn có thể thấy trước tình cảnh nông dân từ bỏ cây mía còn doanh nghiệp thì lụi tàn hoặc phá sản.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp Hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã có cuộc trao đổi với Chất lượng Việt Nam, xung quanh câu chuyện phản đối nhập khẩu mía đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, việc nhập khẩu đường thô của “bầu” Đức rồi xuất sang Trung Quốc, không ảnh hưởng tới thị trường đường trong nước. Vậy tại sao  VSSA vẫn nhất quyết  phản đối phương án nhập khẩu này?

Mặc dù đường Việt Nam sản xuất mới ở mức ngấp nghé dư thừa, nhưng do đường nhập lậu ồ ạt tấn công chiếm lĩnh thị trường nội địa, nên lượng đường tồn kho tăng cao liên tục trong suốt vụ 2012-2013,lúc tồn kho cao nhất lên đến 580.000 tấn vào tháng 5-2013. Như vậy, chỉ với giải pháp xuất sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch Việt Nam mới có thể tiêu bớt được lượng đường dư thừa.

Tuy nhiên, đến nay cơ chế chính sách xuất khẩu đường Việt Nam chưa được điều hành kịp thời,hiệu quả. Chính vì thế, doanh nghiệp mía đường muốn có phép xuất khẩu nhiều khi gặp khó khăn. Nắm được điểm yếu này, phía Trung Quốc nhiều lúc cấm biên hoặc ép giá nên việc  xuất khẩu tiểu ngạch lại càng không ổn định,không phải lúc nào cũng thông suốt.

Do vậy một khi đường thô của HAGL được phép nhập vào Việt nam cho nhà máy đường Biên Hòa gia công rồi xuất khẩu sang TQ theo con đường tiểu ngạch sẽ dẫn đến nhiều bất lợi và hệ lụy cho đường nội địa.Trước hết, với lợi thế giá thấp,  đường HAGL hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu Trung Quốc,một thị trường tương đối lớn nhưng lại nhỏ hẹp về phép tắc từ phía Bộ Công thương Việt Nam.

Mặt khác, nói là phương án tạm nhập tái xuất và có kiểm soát,nhưng chỉ là quy định về nguyên tắc, chứ thực tế làm sao đảm bảo được không có gian lận thương mại, lượng đường nhập về liệu có được tiêu thụ ở thị trường nội địa hay không? 

Trong khi đường nội địa dư thừa xin xuất khẩu tiểu ngạch khó khăn, HAGL xin nhập vào VN chế biến rồi xuất khẩu sang TQ cũng theo đường tiểu ngạch ban đầu chỉ là 30.000-40.000 tấn,nhưng theo văn bản can thiệp của chính phủ Lào là “sẽ tăng theo mức độ hàng năm “ không nói giới hạn,vậy ai đảm bảo mức nhập sẽ đừng lại ở 30.000 tấn và nguồn gốc lượng đường gia tăng tiếp theo có thể xảy ra?

Về phía doanh nghiệp sản xuất đường từ mía trong nước, một khi họ thấy  Biên Hòa làm được, thu được lãi từ hoạt động này, liệu  các nhà máy khác cũng xin tạm nhập đường thô giá rẻ từ các nước Brazil,Thái lan …chế biến rồi tái xuất vì lợi ích và sự tồn tại của họ thì sao? Lúc đó họ sẽ giảm sản xuất từ nguyên liệu mía trong nước,tiến đến việc bỏ mía và bỏ mặc số phận người nông dân trong nước lao đao cùng cây mía thì sao? Chính sách quốc gia về một ngành nông nghiệp sẽ ở đâu?

Giá thành đường Việt Nam cao do giá thu mua mía nguyên liệu đầu vào cao, chất lượng lại thấp

Chung quy vẫn là do giá đường trong nước hiện cao hơn so với thị trường khu vực?

Hầu hết các nước trên thế giới kể cả các nước xuất khẩu đường lớn nhất nhì như Brazil, Thái Lan thì giá đường nội địa bao giờ cũng cao hơn giá thị trường quốc tế.
Trong điều hành kinh tế, không thể đem so sánh giá nội địa và giá thương mại thế giới của nông phẩm. Không chỉ đường mà gạo Việt Nam có chất lượng trung bình, khi  xuất khẩu với giá khoảng 400 USD/tấn (hơn 8 triệu đồng/tấn), trong khi giá thị trường nội địa khoảng 15 triệu đồng/tấn).

Điều đáng nói là  giá thành sản xuất đường ở Việt Nam cao hơn khoảng 30% so với các nước khác trong khu vực. Nguyên nhân là do giá mía nguyên liệu cao mà chất lượng lại thấp, song để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, các nhà máy vẫn buộc phải thu mua để giữ vùng nguyên liệu.

Cụ thể, giá mía của VN khoảng 45-50 USD/tấn, giá mía Thái Lan xấp xỉ 30 USD/tấn;trong khi chất lượng mía của Việt Nam chỉ đạt trữ lượng đường xấp xỉ 10,còn mía Thái lan đạt 12-14. Với năng suất mía trong nước thấp, hiện chỉ đạt khoảng trung bình 64 tấn/ha, trong khi trung bình thế giới  đạt 70-80 tấn/ha,nhiều nơi còn cao hơn.

Để chuẩn bị cho hội nhập, doanh nghiệp mía đường Việt Nam từ lâu cũng đã ý thức được rằng phải hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có thể tác động vào giá trong công nghiệp sản xuất. Nhưng phần công nghiệp sản xuất chỉ tác động khoảng 20- 25% giá thành đường, còn lại giá nguyên liệu mía đầu vào lại tác động tới 75-80%.

Một khi đã hội nhập, dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải chấp nhận mở cửa nhập khẩu. Phải chăng  doanh nghiệp mía đường trong nước chưa chuẩn bị đủ sức cạnh tranh so với thế giới và khu vực?

Đã có nhiều ý kiến nhận định và hiểu chưa đầy đủ về ngành mía đường Việt Nam. Các nhà máy đường trong nước hiện nay phần lớn đã mở rộng công suất và hiện đại hóa công nghệ cũng như thiết bị chứ không còn dây chuyền cũ như hồi mới xây dựng.

Nếu nói các nhà máy đường Việt Nam lạc hậu thì thật là không chính xác. So sánh công nghệ và thiết bị của một số nhà máy của VN như Lam Sơn,Việt Đài,Tate & Lyle Nghệ An,KCP,Khánh Hòa,Bourbon Tây Ninh… thì không thua kém nhiều nước trên thế giới,thậm chí còn hiện đại và tốt hơn,sản phẩm cũng tốt bằng và hơn nếu so với thế giới.Như vậy tính cạnh tranh kém của ngành đường VN là ở phần nông nghiệp-cây mía nguyên liệu,chứ không phải ở nhà máy.

Trong quá trình chuẩn bị hội nhập, doanh nghiệp và nông dân trồng mía phải chủ động tách dần sự bảo hộ nhà nước để cạnh tranh bình đẳng, song trong nền kinh tế nông nghiệp, thiết nghĩ nhà nước vẫn phải duy trì bảo hộ có lộ trình dưới nhiều hình thức. Nếu cứ bỏ mặc và không có chính sách phù hợp thì chúng ta có thể thấy trước tình cảnh lụi tàn và tiến tới phá sản của nhà máy,còn  nông dân từ bỏ cây mía. Khi đó Nhà nước mới ra tay cũng đã muộn rồi.

Vậy bài toán của ngành mía đường đặt lời giải ngay trong chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu và đầu tư  phát triển cây mía?

Đúng vậy! Nhìn lại giá nguyên liệu đầu vào, nếu không giữ giá mua hiện nay khoảng 45-50 USD/tấn mía (trong khi Thái Lan chỉ mua vào khoảng 30USD/tấn mía) thì người nông dân khó có thể duy trì cây mía. Nghịch lý này diễn ra đã lâu, Hiệp hội cũng đã kiến nghị chính sách nông nghiệp để nâng cao chất lượng và năng suất cây mía như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhưng chưa được đáp ứng.

Mặt khác, tình trạng vùng nguyên liệu xa nhà máy,điều này làm tăng phí vận chuyển và tăng thời gian sau thu hoạch là điều bất lợi. Đất dành cho cây mía không phải tất cả là đất tốt, diện tích đất canh tác cho cây mía vẫn còn manh mún. Nếu như ở Thái Lan, Lào, cánh đồng mía có thể lên hàng trăm ha, trong khi một nông hộ trồng mía ở Việt Nam chỉ sở hữu khoảng  dưới 1 ha. Giao thông,thủy lợi chưa đáp ứng đủ,giống và kỹ thuật canh tác chưa áp dụng đúng mức. Điều kiện canh tác như vậy thì khó có thể triển khai cơ giới hóa và nâng cao năng suất, chất lượng cây mía tại Việt Nam.

Tăng năng suất cho cây mía, hạ giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đường vấn là bài toán lớn, cần vai trò, chức năng điều hành chính sách của Bộ ngành liên quan và trên hết là Chính phủ. Dù cố gắng hết sức thì doanh nghiệp mía đường trong nước cũng chỉ hỗ trợ một phần cho người nông dân.  Ngành đường nói chung và nông dân trồng mía nói riêng thì cần cơ chế chính sách của nhà nước như nhiều nước trên thế giới và khu vực đang áp dụng để phát triển ổn định, bền vững và hội nhập.

Trên thế giới hiện nay, ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển thì nhà nước vẫn duy trì bảo hộ cho nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể tại các nước: Mỹ, Úc, Nga, Nam Phi, Mexico, Colombia, Brazil, Trung Quốc,  Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản….vẫn duy trì các biện pháp bảo hộ ngành đường để bảo vệ nông dân và ngành kinh tế trong các lĩnh vực: kiểm soát thị trường nội địa,kiểm soát nhập khẩu,hỗ trợ xuất khẩu,hỗ trợ tài chính trong chương trình sản xuất cồn,hỗ trợ tổng quát nông nghiệp.
Tại Việt Nam,điều đáng nói, từ nhiều năm nay , mặc dù nhà nước chưa có chính sách trực tiếp bảo hộ nông dân trồng mía,thì các nhà máy đường đã thực hiện điều đó. Tới nay, có thể khẳng định ,chưa có nông phẩm nào được bao tiêu tốt như cây mía.

Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang