Không dám ăn khoai tây vì sợ độc

author 11:40 25/06/2013

(VietQ.vn) - Hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng, khoai tây nhập khẩu khi bị nhiễm chất độc là rất nguy hại cho sức khỏe. Do không nhận biết được khoai tây nào là của Việt Nam và của Trung Quốc nên "nhịn" vẫn hơn.

Loạn thông tin về khoai tây Trung Quốc nhiễm độc

Mới đây, cơ quan chức năng tại Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện được 26 tấn khoai tây có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc được đưa vào địa phương này và đang chờ đưa ra thị trường. Điều "nguy hiểm" trong vấn đề đưa 26 tấn khoai tây Trung Quốc nhập khẩu về Lâm Đồng có ý đồ không tốt. Thứ nhất là chất lượng khoai tây Trung Quốc không thể bằng khoai tây trồng ở Việt Nam. Đặc biệt kém xa so với khoai tây được trồng tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Thứ hai, theo kiểm dịch nông sản của cơ quan chức năng tại Lâm Đồng phát hiện thấy trong khoai tây của Trung Quốc có tồn dư chất độc Chlorpyrifos (chất có khả năng gây ung thư phổi, được dùng trong thuốc bảo vệ thực vật) cao gấp 16 lần mức cho phép.

Khoai tây Trung Quốc nhập về vùng khoai tây Đà Lạt với ý đồ không tốt. Ảnh: N. M
Khoai tây Trung Quốc nhập về vùng khoai tây Đà Lạt với ý đồ không tốt. Ảnh: N. M

Trước những thông tin như vậy, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra tuy nhiên, điều gây thất vọng với dư luận và người tiêu dùng là việc vào cuộc của cơ quan chức năng còn rất chậm. Ngay trả lời báo giới sáng qua 24/6, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) cũng không nói rõ ràng về vấn đề chất độc trong khoai tây Trung Quốc như thế nào chính vì thế, phát ngôn của Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đưa ra là "Trong trường hợp như thế thì bất cứ nước nào trên thế giới đều phải chấp nhận" đã gây không ít bức xúc cho dư luận.

Trả lời câu hỏi trên báo Người lao động, nếu vừa qua TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không phát hiện được 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng cho phép thì người dân đã bị đầu độc? Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, trong trường hợp như thế thì bất cứ nước nào trên thế giới đều phải chấp nhận. Bởi vì không phát hiện ra thì thôi, cũng như nhiều trường hợp, đi khám mãi mà bác sĩ không phát hiện ra bệnh nhưng thực chất là đang mắc bệnh.

"Hiện nay, trên thế giới cũng chỉ đến mức độ như thế thôi, kể cả các nước phát triển nhất họ cũng đang áp dụng những biện pháp như vậy. Bất cứ phương pháp kiểm tra gì trên thế giới cũng có độ rủi ro chứ không bao giờ được tuyệt đối 100%", ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, mức dư lượng tối đa cho phép là mức mà trong thương mại người ta đưa ra, nó rất an toàn. Đó là mức mà người ta thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe để cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thông tin và bắt đầu tăng cường kiểm tra, đảm bảo các biện pháp an toàn; chứ không phải cứ vượt ngưỡng tối đa cho phép là mất an toàn. Ví dụ, người ta nói hằng ngày, 1 thanh niên 18 tuổi phải ăn 3.000 cây xà lách hoặc 1 cô gái phải ăn 354 quả táo. Khi các loại rau quả này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phải liên tục ăn như thế thì nó mới ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, có những mẫu dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn. Khi nào nó vượt ngưỡng hàng trăm lần, thậm chí 1.000 lần thì lúc ấy cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tiêu hủy. Sau đó, có nhiều nước họ đưa ra thông báo cho dân chúng không nên mua hoặc nếu đã mua rồi thì không nên ăn sản phẩm đó.

Dù số khoai tây Trung Quốc nhiễm độc nhập về Lâm Đồng đã được tiêu hủy song điều khiến người tiêu dùng lo lắng là nếu ăn phải khoai tây chứa chất Chlorpyrifos có "làm sao" không? Ngoài số đã phát hiện, có bao nhiêu lượng khoai tây nguy hại cho sức khỏe đã được tiêu thụ và còn tồn đọng ở thị trường trong nước...? Cơ quan hữu trách như Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra, giám sát thế nào mà để số khoai tây nguy hại đó xuất hiện ở nơi cách biên giới cả ngàn cây số như vậy?

Còn kiểm tra trên thực tế, theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII - cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, cơ quan này chưa phát hiện lô hàng nào quá ngưỡng dư lượng chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho phép nhập khẩu qua cửa khẩu.

Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII - cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, hiện có 7 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu khoai tây Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Năm 2012, lượng khoai tây nhập khẩu vào Lào Cai qua các doanh nghiệp này là hơn 5.000 tấn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, mới đạt 1.400 tấn, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoảng 80% là khoai tây đỏ.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII cho biết, đã tăng cường kiểm soát qua cửa khẩu Lào Cai: “Đối với các trạm kiểm dịch cửa khẩu, đưa việc kiểm tra khoai tây trở thành việc kiểm soát tương tự như kiểm tra chặt. Yêu cầu các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu có mặt hàng khoai tây Trung Quốc làm rõ một số vấn đề: Đảm bảo nguồn gốc cung cấp của một số mặt hàng, phối hợp với các cơ quan địa phương vào cuộc kiểm tra vào sâu trong nội địa”.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoai tây nhập khẩu vào Việt Nam phải qua 3 bước: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra của Hải quan và lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa phát hiện có lô hàng nào quá ngưỡng dư lượng chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho phép nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Khoai tây trong nước bị vạ lây

Không ít bà nội trợ tỏ thái độ nghi ngờ và lo ngại khoai tây nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc nhiễm chất độc Chlorpyrifos (chất có khả năng gây ung thư phổi, được dùng trong thuốc bảo vệ thực vật) bị gian thương trộn lẫn với khoai tây được trồng trong nước nên phương án tốt nhất là "nhịn" ăn khoai tây một thời gian, chuyển sang các loại rau, củ quả khác.

Người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là khoai tây Việt Nam và đâu là khoai tây Trung Quốc. Ảnh: N. M
Người tiêu dùng khó nhận biết được đâu là khoai tây Việt Nam đâu là khoai tây Trung Quốc. Ảnh: N. M

Chị Phương Thảo ở Phùng Khoang - Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, khoai tây là thứ củ mà gia đình chị rất thường dùng. Những món canh xương khoai tây, khoai tây chiên, bánh khoai tây, kể cả khoai tây luộc, nướng... rất được những người trong gia đình chị ưa thích. Khi nghe thấy khoai tây nhiễm chất độc, chưa biết là sản phẩm của nước ngoài hay trong nước nhưng để cho an toàn, chị đã loại khoai tây ra khỏi danh sách thực phẩm mỗi khi đi chợ hoặc vào siêu thị mua sắm.

"Nếu có chất độc thì tốt nhất "nhịn", ăn loại rau, của khác cho yên tâm. Người tiêu dùng không thể kiểm chứng thông tin được rõ ràng nhưng khi báo giới nêu, cơ quan chức năng lên tiếng là có chất độc thì không nên ăn vào làm gì, ngộ nhỡ ảnh hưởng tới sức khỏe", chị Thảo nói.

Với suy nghĩ như vậy, PV Chất lượng Việt Nam cho rằng, chị Thảo đã "vơ đũa cả nắm", đánh đồng cả sản phẩm khoai tây do trong nước sản xuất và khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc. Chị Thảo cho rằng, "cẩn tắc vô áy náy" và khi thông tin không rõ ràng thì tốt nhất không dùng. Dù thích ăn các món có khoai tây nấu kèm nhưng khi không có khoai tây có thể dùng các loại rau, củ quả khác.

Cũng theo chị Thảo, nếu trên sản phẩm khoai tây có ghi rõ ràng xuất xứ nguồn gốc là của trong nước hay của nước ngoài, thì việc sử dụng và nhận biết của người tiêu dùng dễ dàng hơn. Người tiêu dùng sẽ biết là loại khoai tây nào có chất độc, không an toàn và loại nào an toàn. Ngoài ra, theo các tư thương bán hàng ở các chợ cho biết, khoai tây Việt Nam thường có mùi thơm hơn, giá cũng đắt hơn khoai tây của Trung Quốc. Bởi vì thế nên không ít người bán đã trộn lẫn khoai tây của Việt Nam với khoai tây của Trung Quốc để bán kiếm lời, giá cao hơn.

Cùng suy nghĩ với chị Phương Thảo, bác Đặng Hoài An ở Khâm Thiên - Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, từ trước tới nay khi đi chợ, những điểm mua quen người bán thường chọn cho khoai tây Việt Nam. Hôm nào muốn mua mà không có hàng của Việt Nam người bán nói rõ là của Trung Quốc và khi mình đồng ý họ mới cạo vỏ cho. Giá của khoai tây Trung Quốc rẻ hơn khoai tây Việt Nam vài ngàn đồng/kg. Từ khi có thông tin khoai tây Trung Quốc nhiễm chất độc, người bán cũng không dám lấy hàng về để bán vì nhiều người không dám mua khoai tây về dùng.

"Không chỉ khoai tây mà có rất nhiều rau, của, quả có nguồn gốc của Trung Quốc đã nhiều lần nói là bị nhiễm độc, ảnh hưởng sức khỏe thế nhưng sau đó "đâu vẫn hoàn đấy", một thời gian các lo ngại chìm xuống, người tiêu dùng vẫn mua hàng", bác Hoài An cho biết.

Theo bác Hoài An, sợ nhất là những thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc mà không rõ chất lượng sản phẩm thế nào. Người dân đang dùng bình thường, "đùng" một cái lại bảo có chất độc. Khi đó, chẳng cần biết là sản phẩm của nước nào, người dân dừng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, nhiều nông sản tương đồng với Trung Quốc nên nhiều khi bị vạ lây là điều khó tránh khỏi.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang