Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ công trình

author 09:58 28/05/2015

20 công trình giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT được Bộ GTVT đưa vào khai thác, tất cả đều đúng và vượt tiến độ thi công và được bảo hành chất lượng từ 24-48 tháng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT, Bộ GTVT, 20 công trình giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT được Bộ GTVT đưa vào khai thác, tất cả đều đúng và vượt tiến độ thi công và được bảo hành chất lượng từ 24-48 tháng.

Một đoạn đường HCM qua Tây Nguyên

Thúc tiến độ dự án, chặn nhà đầu tư yếu kém

Theo ông Phan Quang Hiển, việc quản lý tiến độ, chất lượng các dự án BOT được Bộ GTVT quy định và thực hiện chặt chẽ giống như các dự án, công trình sử dụng ngân sách Nhà nước. Từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công... của các dự án thực hiện bằng vốn xã hội hóa đều được kiểm tra, rà soát chặt chẽ và nghiêm ngặt theo đúng quy định. Cụ thể, ngày 4/10/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3085 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Quy định này được ví như chiếc “gậy” để đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Bộ GTVT tại các dự án BOT tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của nhà đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Sau khi dự án khởi công, lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên thị sát hiện trường thi công. Dự án nào manh nha dấu hiệu chậm tiến độ đều được lãnh đạo Bộ GTVT xử lý, chấn chỉnh ngay. Nhiều đơn vị thi công yếu kém không đảm bảo tiến độ chung tại một số công trình đã bị cắt giảm, điều chuyển khối lượng, thậm chí bị thay thế.

“Điển hình vào tháng 7/2014, ngay khi phát hiện tình trạng thi công yếu kém của các nhà thầu tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đoạn Buôn Hồ - Buôn Ma Thuột theo hình thức BOT, lãnh đạo Bộ GTVT đã lập tức yêu cầu nhà đầu tư Quang Đức thay thế toàn bộ nhà thầu của dự án bằng các đơn vị thi công khác có năng lực và kinh nghiệm hơn. Điều này đã góp phần quan trọng để dự án về đích vào ngày 30/4/2015, vượt tiến độ 6 tháng so với yêu cầu”, ông Hiển cho hay.

Trở lại với thời gian trước năm 2011, khi các công trình giao thông sử dụng ngân sách Nhà nước thường xuyên bị chậm tiến độ phần lớn do “đói” vốn, nhưng cũng có một số dự án các đơn vị thi công cố tình chây ỳ với tâm lý sợ hết việc và để “ăn” tiền trượt giá. Nhận biết được thực tế này, lãnh đạo Bộ GTVT đã kiên quyết chỉ đạo khắc phục, yêu cầu công trình đã khởi công là làm luôn. Tinh thần này cũng được “lan tỏa” đến các dự án BOT. Bởi theo lãnh đạo Bộ GTVT, suy cho cùng, dự án đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng là tiền của dân. Hơn nữa, mục đích của nhà đầu tư khi bỏ tiền đầu tư vào các công trình giao thông là hiệu quả về kinh tế dự án mang lại. Nếu dự án thi công càng lâu, nhà đầu tư sẽ càng phải gánh thêm nhiều chi phí trong quá trình xây dựng.

“Khi nhà đầu tư đã bước chân vào sân chơi BOT, nếu muốn có hiệu quả, bắt buộc phải tính toán hợp lý để tiết kiệm chi phí do trượt giá vật liệu trong quá trình thi công, lãi suất tín dụng… Điều này đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình”, ông Hiển cho hay.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn các nhà đầu tư “tay không bắt giặc” chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, ngày 3/7/2014, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 8003 quy định về năng lực tài chính của các nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Theo đó, các nhà đầu tư phải đóng 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập doanh nghiệp dự án và dự án chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu.

“Trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu, hợp đồng ký tắt không còn hiệu lực và Bộ GTVT có quyền thay thế nhà đầu tư khác, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư không được đền bù bất kỳ chi phí nào đã bỏ ra. Đây được coi là giải pháp mạnh tay của Bộ GTVT để đảm bảo tiến độ và chất lượng cho các dự án thực hiện bằng vốn xã hội hóa”, ông Hiển nói và cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT và nỗ lực của các nhà đầu tư, đến nay, không có bất cứ một dự án BOT nào bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều công trình hoàn thành trước 6 tháng đến hai năm so với hợp đồng như: Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa, Vũng Áng, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, dự án cầu Việt Trì mới...

"Ngay cả khi kết thúc thời hạn bảo hành, nếu công trình xảy ra hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng do lỗi của mình gây ra, nhà thầu thi công vẫn phải chịu trách nhiệm và khắc phục tương ứng với phần việc do mình thực hiện. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, các nhà thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ông Trần Xuân Sanh
Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT

Hết cửa đối với nhà đầu tư làm ẩu

Bên cạnh việc thúc tiến độ hoàn thành các dự án BOT, chất lượng của công trình cũng được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Tại nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Tiến độ dự án nhanh nhưng chất lượng phải là số một. Tất cả các cơ quan, đơn vị không được vì bất cứ lý do gì mà đánh đổi chất lượng lấy tiến độ công trình”.

Để kiểm soát và nâng cao chất lượng công trình giao thông, theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, ngày 25/8/2014, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3230 quy định thời hạn bảo hành cụ thể đối với các dự án giao thông đường bộ theo từng cấp độ. Theo đó, công trình cấp đặc biệt và cấp một, thời hạn bảo hành là 48 tháng; công trình cấp hai là 42 tháng. Mức bảo hành của các cấp này là 3% giá trị hợp đồng, công trình cấp còn lại thời hạn bảo hành 24 tháng với mức bảo hành 5% giá trị hợp đồng. Bộ GTVT cũng quy định riêng với các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thời hạn bảo hành là 48 tháng, với mức bảo hành 3% giá trị hợp đồng.

Đối với các dự án BOT, yêu cầu đảm bảo chất lượng và thời gian bảo hành công trình còn chặt chẽ hơn, bởi không chỉ bảo hành công trình theo thời gian quy định, các nhà đầu tư sẽ phải tự bỏ tiền sửa chữa, thậm chí bị dừng thu phí nếu công trình hư hỏng. “Bộ GTVT đã có quy định trong thời gian khai thác kinh doanh để hoàn vốn, nhà đầu tư có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Trong khoảng thời gian này, nếu nhà đầu tư chậm trễ tiến hành sửa chữa, khắc phục sẽ bị dừng thu phí và thời gian dừng thu phí sẽ không được gia hạn thu phí trong hợp đồng BOT”, lãnh đạo Cục QLXD & CLCTGT cho biết.

Thực tế đã chứng minh, thời gian qua một số nhà đầu tư tại các dự án BOT QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, BOT đoạn Vinh - Bến Thủy... đã phải tự bỏ kinh phí để sửa chữa, khắc phục và bị dừng thu phí trong thời gian khắc phục mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe trong quá trình khai thác. Do đó, việc coi trọng và nâng cao chất lượng công trình là xu thế tất yếu của các nhà đầu tư BOT giao thông hiện nay. Chính vì quản chặt chất lượng, nhiều nhà đầu tư còn tự tin kéo dài thời hạn của mình lên 5 năm so với chỉ 24 tháng, hoặc 48 tháng theo quy định. Đơn cử như trường hợp nhà đầu tư Tập đoàn Sơn Hải đã bàn giao gói thầu trên địa phận tỉnh Đắk Nông và một số nhà đầu tư khác trên địa bàn Quảng Bình… đã cam kết với Bộ GTVT bảo hành công trình 5 năm kể từ khi bàn giao.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Đoàn Thái Bình): BOT giúp chi phí giảm, tăng trưởng, lợi nhuận tăng

Trong nền kinh tế thị trường, việc khai thác đầu tư xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí, thêm nguồn lực xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng giao thông là cần thiết.

Kêu gọi đầu tư BOT là cách tốt nhất để chúng ta có thể huy động vốn. Vừa qua, nhiều Bộ, ngành đã làm theo cách này, trong đó, ngành GTVT đã đạt được những thành quả nhất định.

Với các dự án BOT, quan trọng nhất là làm xong phải tổng kết ngành nào có hiệu quả, dự án nào có hiệu quả để tiếp tục phát huy; còn nơi nào có yếu tố lãng phí, lợi dụng, gây rủi ro hay thiếu lòng tin, phải xử lý kịp thời để các ngành đều thực hiện nghiêm trong việc sử dụng nguồn đầu tư xã hội hóa. Các cơ quan chức năng phải tiến hành quản lý, giám sát thường xuyên.

Vừa qua, ngành GTVT có nhiều công trình được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, áp dụng được các phương pháp kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công trình.

Rõ ràng giao thông là điều kiện thiết yếu phục vụ cho đời sống nhân dân, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện việc đi lại của dân một cách rõ rệt. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế, giúp giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế... Vì vậy, xét ở mọi khía cạnh, việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư BOT là một hình thức cần được khuyến khích trong thời gian tới.

Theo Báo Giao thông


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang