Không được bức cung, nhục hình

author 07:17 28/11/2013

Nghị quyết được QH thông qua chiều 27-11 yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan điều tra, Điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra, trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình, không làm oan người vô tội…

Với gần 90% đại biểu tán thành, chiều nay 27-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm, trong đó tập trung chống tội phạm tham nhũng. 
Theo Nghị quyết, năm 2013, dù đã có nhiều nỗ lực song hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm của Chính phủ, VKSND và TAND còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình tội phạm, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp; một số tội phạm có chiều hướng gia tăng gây bức xúc trong dư luận. 
Quốc hội yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước phải tập trung thanh tra, kiểm toán các “địa chỉ” dễ phát sinh tham nhũng như các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn. Các cơ quan này phải chủ động chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét khởi tố hình sự và phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện hoặc có dấu hiệu nhưng chỉ xử lý hành chính.
Đáng chú ý, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ Chính phủ chỉ đạo các cơ quan điều tra, Điều tra viên tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra, nâng cao chất lượng điều tra, tạo điều kiện cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án; bảo đảm việc lập hồ sơ vụ án hình sự phải khách quan, toàn diện theo đúng quy định pháp luật; hằng năm, tăng tỷ lệ phát hiện, khám phá các loại tội phạm.
Thời gian vừa qua, dư luận chấn động vì vụ án oan kéo dài suốt 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ làng Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Sau khi được tạm đình chỉ thi hành án vào ngày 4-11, được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao huỷ 2 bản án kết tội Giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết đã bị các điều tra viên Công an Bắc Giang ép cung và dùng nhục hình.
Tiếp sau vụ ông Chấn, một loạt vụ án oan và nghi oan tiếp tục được “xới” lên như vụ “trộm cắp cổ vật” 8 công dân bị cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang truy tố oan và phải ngồi tù gần 1.000 ngày; vụ xử bà Đỗ Thị Hằng (ở Bắc Giang) tội buôn bán phụ nữ, vụ Huỳnh Văn Nén…
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 21-11, hàng loạt câu hỏi về án oan, bức cung, nhục hình… của các đại biểu Quốc hội dành cho Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã làm nóng nghị trường, khiến không chỉ chánh án mà Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phải cùng “chia lửa”.
Theo NLD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang