Không hiểu rõ EVFTA, Việt Nam rất dễ trở thành đối tượng bị trừng phạt thương mại

author 14:45 27/08/2019

(VietQ.vn) - Nếu không hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế để thực thi các cam kết trong EVFTA, Việt Nam có thể sẽ trở thành những đối tượng chịu chế tài, đối tượng bị trừng phạt thương mại từ các nước tham gia khuôn khổ cam kết EVFTA.

Phát biểu tại Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) – Một số cam kết quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, các phương tiện truyền thông cũng như các cơ quan chức năng có liên quan đã có nhiều diễn đàn để bàn về các vấn đề xoay quanh EVFTA như là nhận diện những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi tham gia EVFTA, các cam kết chủ yếu trên các lĩnh vực, vị thế và hình ảnh của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định này...

Bộ trưởng nhấn mạnh, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới rất toàn diện, rất nhiều lĩnh vực phi truyền thống đã được đề cập, đàm phán, ký kết ở mức độ rất cao. Hiệp định EVFTA mà EU ký với Việt Nam cũng là hiệp định rất đặc thù bởi đây là lần đầu tiên một nước còn ở trình độ phát triển thấp như Việt Nam trở thành đối tác với EU trong một hiệp định tương đối toàn diện. Và không chỉ các lĩnh vực truyền thống như mở cửa thị trường, hàng rào thuế quan, thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn có cả các lĩnh vực phi truyền thống được đề cập trong EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi cam kết EVFTA. Ảnh: Hán Hiển 

“Việc tham gia ký kết EVFTA giúp chúng ta mở rộng thị trường, phát triển thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia hiệp định cũng tạo nên những thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và các cơ quan quản lý.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong phân phối sản phẩm hàng hóa. Bởi vì dù tham gia hiệp định, được thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan nhưng đối với những mặt hàng, sản phẩm không có thương hiệu, không có chất lượng, không đảm bảo sở hữu trí tuệ thì chắc chắn sẽ thất thế và có thể bị đào thải.

Mặt khác, những đối tượng hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn cũng phải tuân thủ không chỉ những quy định pháp luật trong nước mà còn phải đáp ứng quy định luật pháp quốc tế, những cam kết chung nêu trong hiệp định thương mại tự do”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng khi tham gia EVFTA, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những bước đi, chương trình hành động cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu tối ưu hóa những lợi thế của Việt Nam khi tham gia thị trường EU rất lớn.

“Chúng ta đã có những bước đi căn bản, kể từ Hiệp định CPTPP hay việc trình sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ để dần tiếp cận EVFTA ở các mức độ. Tuy nhiên, do EVFTA là hiệp định toàn diện, trải dài trên nhiều lĩnh vực nên nếu cơ quan chức năng không có cho mình những chương trình hành động cụ thể, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế để thực thi các cam kết trong EVFTA chúng ta sẽ trở thành những đối tượng chịu chế tài, đối tượng bị trừng phạt thương mại từ các nước tham gia khuôn khổ cam kết EVFTA”, Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, EVFTA còn đề cập cả tới những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, đi sâu vào nội tại như các vấn đề về điều kiện lao động, môi trường lao động trong các ngành sản xuất, hàng hóa xuất khẩu, đề cập quy định, chế tài đối với hoạt động đánh bắt cá, khai thác trái phép…

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hán Hiển 

Tất cả những cam kết, những quy định mà EVFTA đưa ra, nếu muốn đáp ứng, muốn tạo ra sự hài hòa, tạo ra lợi thế thì chúng ta không thể tiếp tục tư duy cũ. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc tạo ra những nền tảng vững chắc, tạo nên sự chủ động của Việt Nam khi tham gia các khuôn khổ hiệp định, thông qua hội nhập, tích lũy những lợi thế để tái cơ cấu lại các ngành kinh tế sản xuất theo hướng phù hợp.

Cuối cùng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, những nhiệm vụ quản lý phát triển thị trường bền vững là yêu cầu sống còn để đảm bảo cho nền kinh tế, cho các ngành sản xuất trong nước, cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không có những nền tảng quan trọng và cơ bản nhất trong pháp luật liên quan tới sở hữu trí tuệ, liên quan cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này thì câu chuyện đấu tranh chống hàng giả hàng nhái sẽ là câu chuyện vô phương cứu chữa

Hán Hiển

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: EVFTA là động lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao(VietQ.vn) - Những cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang