Không khí Hà Nội ô nhiễm nặng, nguyên nhân do đâu?

author 07:12 01/11/2017

(VietQ.vn) - Theo Sở TN&MT, không khí Hà Nội thời gian gần đây trở nên ô nhiễm nặng có thể là do người dân đốt rơm rạ nhiều làm gia tăng khói bụi.

Liên quan đến thông tin chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày gần đây đang bị ô nhiễm nặng, ngày 31/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) đã có báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ ngày 25 đến 29/10, số liệu quan trắc từ các trạm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có tăng hơn so với các tuần trước đó.

Cụ thể, chỉ số AQI lớn nhất là 195 tại trạm Hàng Đậu vào ngày 25/10. Dựa vào mức độ cảnh báo theo QCVN 05:2013, chất lượng không khí ở trạm Hàng Đậu thời gian đó ở mức kém; đối với các trạm còn lại, chất lượng không khí các ngày vừa qua đa số ở mức trung bình và kém.

Ngoài ra, theo đánh giá chung về chỉ số bụi PM10 và PM2.5 trong các ngày từ 16 tới 29/10, nồng độ bụi tăng nhẹ và đạt đỉnh trong tuần đầu tiên vào ngày 20/10 sau đó giảm trở lại. Tuy nhiên, đến 24/10, nồng độ bụi lại có xu hướng tăng trở lại và đạt đỉnh vào ngày 26/10, vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013.

Sở TN&MT Hà Nội nhận định chỉ số không khí gần đây của thành phố cao là do hoạt động đốt rơm rạ. Ảnh: báo TN&MT 

Theo số liệu ngày 26/10 tại Trạm quan trắc Minh Khai-Bắc Từ Liêm, nồng độ bụi PM đạt giá trị cao nhất là 201,67 (μg/m3), gấp hơn 1,3 lần so với quy chuẩn; nồng độ bụi PM 2.5 đạt giá trị cao nhất là 97,29 (μg/m3) gấp 2 lần so với quy chuẩn.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, nguyên nhân chỉ số không khí cao đột biến trong những ngày gần đây có thể do cuối vụ, người dân ở các huyện ngoại thành đốt rơm rạ dẫn tới khói bụi tăng cao hoặc do hiện tượng mù quang hóa-một hiện tượng thường xảy ra ở Hà Nội trong các tháng 10-11-12, sương mù thường xuất hiện trong đêm khi nhiệt độ hạ thấp và duy trì tới sáng sớm cho đến khi mặt trời xuất hiện, gió bắt đầu hoạt động...

Trước đó, cũng theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng đang bị ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn. Kết quả quan trắc cho thấy, hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng benzen vượt Quy chuẩn Việt Nam QCVN 06/2009/BTNMT từ 1,2-2,5 lần và độ ồn cũng đều vượt quy chuẩn.

Các khu vực nổi cộm là khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm, với các vị trí có nồng độ ô nhiễm cao như: bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, bến xe Nước Ngầm, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng, điểm trung chuyển xe bus Long Biên, bến xe Giáp Bát, ngã tư Cầu Diễn.

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ giám sát, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động và truyền dẫn số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát....

Hiện nay, Hà Nội đã có 10 trạm quan trắc, trong đó có 2 trạm cố định, các trạm quan trắc này thường xuyên truyền dữ liệu về cơ quan quản lý. Tuy nhiên, số liệu tại 10 trạm quan trắc nêu trên cũng chưa đủ để đại diện để đưa ra đánh giá về môi trường không khí tại Thủ đô. Vì vậy, TP. Hà Nội cũng sẽ triển khai dự án “Đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Theo đó, quy mô đầu tư 70 trạm quan trắc không khí (trong đó có 10 trạm cố định và 60 trạm cảm biến), 4 trạm quan trắc nước mặt, 1 xe quan trắc khí di động, 6 trạm quan trắc nước dưới đất và quản lý; quản lý, vận hành Trung tâm quản lý và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường. Thông qua các số liệu từ các trạm quan trắc này, các thông tin quan trắc môi trường sẽ được chia sẻ công khai để người dân biết được chất lượng môi trường sống trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hiện UBND TP. Hà Nội đang phối hợp với tổ chức AirParif - cơ quan quản lý chất lượng không khí của Pari của Pháp triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường và giám sát chất lương không khí tại Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ.

Phong Lâm

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức nào?Chất lượng không khí của Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, từ các làng nghề hay do chôn lấp và xử lý các chất thải rắn. Vậy, không khí Hà Nội đang ô nhiễm ở mức độ như thế nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp vì nhiều năm qua, Hà Nội vẫn thiếu rất nhiều hệ thống quan trắc chất lượng không khí.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang