Không khí nhộn nhịp tại làng cá chép ông Công, ông Táo

author 10:31 11/02/2015

(VietQ.vn) - Cứ đến cận ngày Tết ông Công, ông Táo hàng năm là làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, Quảng Xương) cũng như làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc (Cẩm Khê, Phú Thọ) lại rộn ràng, tấp nập người ra vào.

Theo tin tức  từ báo Dân trí, làng Tân Cổ, xã Quảng Tân, nghề truyền thống nuôi cá ông Táo cũng bắt nguồn từ sự tín ngưỡng đó. Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề có từ bao đời nay rồi, cụ thể từ khi nào thì họ cũng không hề biết chỉ biết khi lớn lên, các cụ đã biết đến cái nghề này do ông cha để lại.

Các cụ cũng cho hay, nghề nuôi cá chép của làng trước hết để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Ở làng này hầu hết nhà nào cũng có ao, ít nhất cũng có 1 ao, nhiều tới 3-4 cái ao, ao to, ao nhỏ để nuôi cá giống, đặc biệt là cá ông Công, ông Táo. Làng có khoảng trên 80% hộ là đều làm cái nghề truyền thống này.

cứ đến cận ngày Tết ông Công, ông Táo là làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, Quảng Xương) lại rộn ràng, tấp nập người ra vào

Cứ đến cận ngày 23 tháng Chạp là làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, Quảng Xương) lại tấp nập người ra vào. Ảnh: Dân trí

Những năm gần đây, mặc dù nghề cá đã có phần thu hẹp, nhưng truyền thống bán “cá ông Công, ông Táo” của làng thì vẫn được giữ nguyên. Là vùng quê sống chủ yếu bằng nghề trồng nông nên dường như cả cái tết ấm no của các gia đình nơi đây hầu như trông chờ cả vào tiền bán cá trong “ngày Tết ông Công, ông Táo” này.

Bên cạnh đó, bể cá của các gia đình ở làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc (Cẩm Khê, Phú Thọ) những ngày này rực màu chép đỏ. Ngoài ao, những mẻ lưới cuối cùng đang được cất lên trước khi lái buôn từ khắp nơi đồ về mua cá. Từ ngày 19 đến 21 tháng Chạp hàng năm, khắp làng Thủy Trầm đi đâu cũng gặp cảnh người dân xuống ao đánh cá chép đỏ để chuẩn bị bán đi khắp nơi phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo, báo Vnexpress đưa tin. 

Đối với người dân làng Thủy Trầm, thu hoạch cá cũng là dịp vui của gia đình. Cá bắt từ dưới ao lên chưa thể chuyển đi ngay mà phải được thả vào bể ép. Trong 2 ngày, bể ép luôn được bơm sủi để cá có đủ oxy thở, nhưng tuyệt đối không được cho ăn. "Vận chuyển cá trong trạng thái no rất nguy hiểm, cá sẽ mệt hoặc có thể chết", anh Quang giải thích.  

Nuôi cá chép là nghề truyền thống của làng Thủy Trầm mang lại khoản thu nhập 10-20 triệu đồng mỗi năm cho các gia đình.

Nuôi cá chép là nghề truyền thống của làng Thủy Trầm, mang lại 10-20 triệu đồng mỗi năm cho các gia đình. Ảnh: Vnexpress

Làng Thủy Trầm có 564 hộ dân thì 470 hộ nuôi cá chép đỏ. Nhiều nhà nuôi số lượng lớn phải xây cả hệ thống bể ép sát mép ao ngoài đồng. Trong làng có vài nhà làm chủ thu gom, số cá chép cả tự nuôi và mua gom từ các gia đình khác lên đến 2-3 tấn. Gia đình anh Hà Công Đức, 40 tuổi, một chủ buôn ở khu 3, tập kết về nhà hơn 3 tấn cá chép, phải làm cả bể ép "cơ động" đặt ngay trên sân nhà.  

Giá cá chép đỏ tại làng Thủy Trầm năm nay dao động 80-100 nghìn đồng/kg, ở mức trung bình so với mọi năm. Đã có năm giá cá chép đỏ tại đây lên tới 160 nghìn/kg. Cá chép được đưa vào các túi nylon chứa nước đựng trong bao tải, sau đó bơm khí oxy, trước khi chuyển lên xe đưa đi các địa phương xa. Người buôn cá chép đỏ từ các tỉnh phía Bắc đến cận ngày 23 tháng Chạp mới đổ về đây lấy hàng.  

Người làng Thủy Trầm cũng tự mang cá đi bán lẻ ở các địa phương lân cận, có khi về tận Hà Nội. Một số người dân cho biết, trước ngày cúng tiễn ông Công, ông Táo, người trẻ trong làng đi bán cá hết cả. "Cứ xe máy buộc theo bình oxy mà chở cá đi thôi, trong làng trai tráng không còn một ai cả", cụ Trần Văn Sáu, 75 tuổi, một trong ba người đầu tiên nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm, nói.  

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang