Không nên coi ozone là "vạn năng"

author 15:26 17/05/2012

(VietQ.vn) - Dùng khí ozone để khử độc ngày càng được người tiêu dùng áp dụng nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu sử dụng không “đúng cách” sẽ gây ra tác hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Để có cái nhìn đầy đủ hơn về sử dụng khí ozone Chất lượng Việt Nam Online đã có trao đổi với GS. TS Nguyễn Hoàng Nghị - Viện Vật lý Kỹ thuật- Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ông nhận định như thế nào về cách quảng bá, nói quá, coi thiết bị tạo khí ozone là “vạn năng” ?

Trước hết phải khẳng định, khí ozone dùng đúng liều lượng, đúng nơi, đúng chỗ là rất có lợi. Tuy nhiên ozone không phải “vạn năng” và việc quảng cáo quá mức về tác dụng của nó có thể làm người tiêu dùng bị nhầm lẫn.

Mô tả ảnh.

GS. TS Nguyễn Hoàng Nghị: Người tiêu dùng không nên nghĩ thiết bị tạo ozone là "vạn năng". Ảnh: N. Nam

Cách đây khoảng 30 năm, nước Mỹ cấm dùng ozone vì qua nghiên cứu của giới khoa học Mỹ thấy rằng nếu sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt làm hại phổi. Tuy nhiên sau đó họ nhận thấy, nếu sử dụng ở một mức độ có thể chấp nhận được(khoảng 0.1 ppm - tương ứng với nồng độ ozone trong không khí đạt 1/triệu), liên tục trong 8 giờ là an toàn cho người và có thể diệt được khuẩn. Hoặc như ở môi trường nước, sử dụng sục ozone để rửa rau quả sẽ rất tốt vì loại bỏ được rất nhiều loại khuẩn có hại.

Vấn đề quan trọng nhất khi dùng khí ozone là liều lượng. Nồng độ ozone cỡ 0.1 ppm hay cỡ 120 micro gam/ m3 là an toàn. Thực tế cho thấy, khí ozone có khả năng diệt khuẩn, mấm mốc rất cao. Có khả năng phá hủy nhiều hợp chất vô cơ, hữu cơ độc hại, làm sạch (diệt khuẩn), làm trong nước (khử nhiều loại ion kim loại như sắt, mangan…), xử lý nước uống tinh khiết, phá hủy nhiều chất có hại như cyanide, thay đổi cấu trúc ure…

Theo khuyến cáo, khí ozone có thể khử độc, khử khuẩn, diệt một số loại vi khuẩn, nấm mốc, mùi… tuy nhiên, trong quá trình khử độc người ta lo ngại các chất độc có hòa lẫn với nhau, tạo ra chất độc hơn trong quá trình sục ozone, ông có đồng quan điểm này không?

Khí ozone trong các máy ozone thường thấy trên thị trường dựa trên nguyên lý phóng điện. Trong quá trình đó ngoài ozone, ô-xít  ni-tơ cũng có thể sinh ra. Đây là loại khí rất độc hại đối với sức khỏe.

Các nhà sản xuất trong quá trình thử nghiệm cũng đã nhận thấy bất cập đó và họ đã nghiên cứu nhiều cách khác nhau để khắc phục điều này. Với các máy ozone sử dụng trong công nghiệp và trại chăn nuôi, sử dụng trong quy mô lớn, các nhà sản xuất thường sử dụng bơm đầu vào bằng oxi, tránh được khí ni-tơ.

Về kỹ thuật, nếu như trong quá trình phóng điện tạo khí ozone, thường phụ thuộc vào điện áp, tần số, mật độ dòng, độ ẩm của không khí… nếu khống chế được những yếu tố này, việc tạo ra ô xít ni tơ là rất ít, thậm chí không đáng kể.

Trách nhiệm đảm bảo an toàn với người sử dụng trước hết thuộc các nhà sản xuất, các chỉ tiêu kỹ thuật phải rõ và có thể kiểm chứng. Các cơ quan quản lý môi trường và sức khỏe cũng không đứng ngoài cuộc trong việc đề ra tiêu chuẩn đối với nồng độ ozone ở Việt Nam và quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh máy ozone gia dụng.

Tại Mỹ, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã ban hành các chỉ số chất lượng không khí AQI. Còn ở các nước EU, Nhật Bản cũng có các tổ chức tương tự. Các cơ quan đó đã đưa ra các tiêu chuẩn, các khuyến cáo về liều lượng ozone.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều máy tạo khí ozone, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả và hàng kém chất lượng. Không ít người vẫn tin tưởng quá mức vào hàng ngoại nhập, ông có nhận định gì về vấn đề này?

Đây là vấn đề rất khó trả lời cụ thể, tâm lý người Việt chúng ta thường sính ngoại, coi các máy móc, thiết bị sản xuất từ Mỹ, Nhật, Đức,… là hàng “xịn”. Nói như vậy không có ý cho rằng, các nước đó sản xuất ra các máy móc, thiết bị không có chất lượng tốt mà người tiêu dùng cần biết rằng, ngay cả hàng ngoại cũng có hàng tốt và hàng không tốt. Với các máy móc được sản xuất tại Trung Quốc cũng vậy, có những máy dùng rất tốt và cũng có máy chất lượng không tốt.

Máy ozone sản xuất trong nước cũng có hàng tốt, hàng không tốt. Linh kiện cũng thế, có những nhà sản xuất mua linh kiện tốt, có những nơi lại mua linh kiện không tốt.

Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị tạo khí ozone trong nước hiện nay gặp phải vấn đề với việc khống chế ô-xít ni-tơ mặc dù họ đã lường trước được các vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình sử dụng thiết bị. Việc khống chế là rất khó khăn, không được tường minh, và khó giải thích rõ ràng cho người dùng.

Vậy ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng khi sử dụng máy sục khí ozone?

Nếu cá nhân tôi dưới góc độ là một người tiêu dùng bình thường, với điều kiện hiện có ở nước ta, tôi sẽ chỉ sử dụng khí ozone trong môi trường nước là chính mà không sử dụng ozone trong môi trường không khí để làm cho phòng làm việc hết mùi hôi, khử khuẩn… Tức là dùng ozone tan trong nước an toàn hơn. Còn khi dùng ozone trong môi trường không khí, khi ngửi thấy mùi ‘khét’ của ozone thì tắt máy hoặc mở rộng cửa cho thông thoáng hơn.

Khi sử dụng ozone hòa tan trong nước để rửa rau quả, khí ozone thoát vào không khí giảm mạnh và vì vậy an toàn cho người sử dụng. Người tiêu dùng thông thái cũng có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tìm hiểu càng kỹ càng tốt cách sử dụng khí ozone trước khi dùng.

Khí ozone nồng độ thấp, nước ozone có tác dụng rất tốt trong việc diệt nhiều loại khuẩn, nấm, mốc độc hại, khử mùi, làm trong nước, phá hủy nhiều hợp chất vô cơ, hữu cơ có hại trong các chất bảo vệ thực vật…đấy là ưu việt của ozone. Mặt trái là ozone nồng độ cao rất có hại cho sức khỏe. Sử dụng hợp lý, sử dụng an toàn máy ozone, khí ozone là điều rất quan trọng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Trong công nghiệp, khí ozon được dùng làm vệ sinh bệnh viện, hộ gia đình, dùng trong các công đoạn xử lý nước bể bơi, giặt công nghiệp, trại chăn nuôi, bảo quản ngũ cốc, diệt sâu bọ, nấm mốc kho lương thực…Ozone cũng được dùng trong nhiều công đoạn xử lý polimer, cao su chất dẻo.

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang