Không nên để xe đạp điện dính nước trong 3 giờ

author 15:24 07/03/2013

(VietQ.vn) - Mùa này, "bất thình lình" có những cơn mưa, với những người đi xe đạp điện cần lưu ý, để không bị mất tiền oan, không nên để xe dính nước quá lâu. Đặc biệt là những bộ phận quan trọng như tay ga, bình nạp điện không nên để cho ngấm nước.

Theo thợ sửa chữa xe đạp điện của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, khi vận hành xe đạp điện người dùng cần phải quan tâm đến trọng tải của pin (ắc quy), trọng lượng của người sử dụng. Nếu đã có khuyến cáo không nên vượt quá trọng tải và trọng lượng thì không nên để vượt quá vì nếu vượt quá những điều nhà sản xuất khuyến cáo, chắc chắn độ bền của phương tiện xe bị giảm đi.

Với những nhà sản xuất đưa ra hướng dẫn sử dụng, nạp, sạc pin thì cần phải lưu ý. Nếu cho phép sạc khoảng 6 giờ/lần là đầy pin thì chỉ nên căn chỉnh thời gian để không nạp điện nữa. Hoặc pin cần sạc khoảng 8 giờ/lần thì cũng đến giới hạn thời gian như vậy là ngừng sạc pin. Khi đảm bảo thời gian sạc như vậy, độ bền của pin sẽ đảm bảo hơn.

Cần lưu ý đối với tay ga xe đạp điện, tránh bị ngấm nước quá lâu. Ảnh N. Nam
Cần lưu ý đối với tay ga xe đạp điện, tránh bị ngấm nước quá lâu. Ảnh N. Nam

Trong trường hợp sạc pin quá nhiều, hoặc quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng làm nóng quá mức đối với pin và tuổi thọ của pin sẽ kém đi, pin sẽ có hiện tượng bị chai pin.

Khi vận hành và sử dụng pin cũng phải tiêu hao kiệt pin trước khi sạc. Có như vậy khi nạp lại pin, lượng điện vào bình sẽ tốt hơn, tuổi thọ pin cũng được lâu hơn.

Theo một nhân viên bán hàng và tư vấn sử dụng xe đạp điện ở địa chỉ 220 Tôn Đức Thắng - Hà Nội, khi ngồi lên xe đạp điện, 2 chân phải chạm đất, nếu 2 chân không chạm đất thì bạn phải điều chỉnh lại yên xe để 2 chân của bạn được chạm đất, tay trái nắm lấy tay thắng (tay phanh) bên trái, tay phải cắm chìa khóa vào ổ công tắc nguồn điện, vặn đến vị trí ON (mở), lúc này đèn chỉ thị mầu đỏ sẽ sáng lên, nghĩa là nguồn đã thông.

Chân trái chạm đất, chân phải để lên bàn đạp chân, từ từ nhả lỏng tay thắng xe, chân phải từ từ đạp mạnh dần lên để xe chạy về phía trước.

Tay phải đồng thời điều chỉnh tay ga vào trong (theo chiều ngược của kim đồng hồ) thì xe sẽ bắt đầu khởi động, góc vặn của tay ga càng lớn thì tốc độ chạy của xe càng nhanh hơn.

Khi xe vừa khởi động bạn nên đạp chân lấy đà cho động cơ và  tăng tốc độ của xe chầm chậm, không nên tức thời vặn hết ga để tránh làm hư hỏng nguyên kiện điện và lãng phí điện.

Khi lên dốc hoặc chở nặng bạn nên dùng chân đạp thêm để trợ sức cho xe, kéo dài tuổi thọ của acquy (pin) và mô tơ điện (động cơ của xe). Trong quá trình sử dụng xe nên cố gắng ít thắng (phanh) xe và ít khởi động xe để tiết kiệm điện. Không nên chạy xe quá tải trọng 90 kg.

Hiện nay, có hiện tượng không ít em học sinh đi xe đạp điện nhưng lại đèo quá tải trọng, có khi đèo từ 2 - 3 người trên cùng một xe. Làm như vậy, tuổi thọ của xe sẽ bị ảnh hưởng và nhanh chóng bị hỏng.

Vị trí ắc quy, bình điện của xe đạp điện rất dễ bị ngấm ngước nếu đi dưới trời mưa. Người dùng cần thận trọng mỗi khi dùng xe vào thời điểm mưa, đường ngập. Ảnh N. Nam
Vị trí ắc quy, bình điện của xe đạp điện rất dễ bị ngấm ngước nếu đi dưới trời mưa. Người dùng cần thận trọng mỗi khi dùng xe vào thời điểm mưa, đường ngập. Ảnh N. Nam

Cũng có không ít em học sinh, ngồi trên xe đạp điện và không đội mũ bảo hiểm. Trong trường hợp đó có thể bị phạt vì lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Đặc biệt, khi vận hành xe đạp điện dưới trời mưa, nhất là với những điểm ngập úng, không nên để bình điện bị chìm trong nước, không nên để tay ga dính nước quá lâu. 

Theo thợ sửa chữa và bảo hành xe đạp điện ở địa chỉ 220 Tôn Đức Thắng - Hà Nội, nếu để tay ga và bình điện dính nước trong khoảng thời gian 2 - 3 giờ, rất có thể nước sẽ làm cho tiếp xúc bị kém đi. Có thể xảy ra tình trạng chập, cháy. Và như vậy có thể phải thay thế, tốn kém hơn.

Ngoài ra, nếu không cần thiết, người dùng xe đạp điện cũng không nên tự ý tháo động cơ xe. Không chạy xe khi bao cách điện bị rách. Không kéo một cách vô ý hay bất cẩn các bao cách điện từ các linh kiện tiếp xúc với động cơ xe và ắc quy. Khi dừng xe hoặc không sử dụng xe thì nên tắt xe và lấy công tắc (khóa điện) ra khỏi xe. Không tự ý tháo hay sửa chữa ắc quy. Không thọc tay vào ổ cắm điện. Không sạc điện ở những nơi mà trẻ con có thể với tay tới được. Không để nước rơi vào ắc quy. Không sạc điện ở những nơi có độ ẩm cao.

Kiểm tra đồng hồ điện trước khi khởi động xe, không chạy xe khi đồng hồ điện xuống dưới vạch quy định. Nếu cố chạy có thể dẫn đến hỏng bộ điều tốc, giảm tuổi thọ của động cơ và bình điện...

Nạp điện cho bình theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khi đang sạc, nếu thấy hộp ắ quy nóng hơn bình thường cần báo ngay cho nơi bảo hành hoặc thợ sửa chữa, không cố nạp vì dễ dẫn đến hỏng bình. Khi không sử dụng đến xe, hoặc chỉ đi dưới 10 km /ngày thì 2 ngày sạc một lần.

Trước khi sạc, phải mở khoá điện, vận hành không tải khoảng 5 phút, sau đó tắt khoá điện và tiến hành sạc điện theo quy định của nhà sản xuất.

Đối với xe đạp điện phải trợ lực thêm bằng bàn đạp xe trong các trường hợp: trước khi sử dụng tay ga, lên dốc trên 6 độ, đi mưa, ngược gió hoặc chở nặng.

Điều quan trọng nhất là tránh để xe ngập nước, nếu lỡ bị ngập nước thì không được mở khoá điện hoặc tiếp tục cho xe chạy mà phải đưa ngay xe đến thợ sửa chữa, để được bảo dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang