Không nên quá hoảng sợ vì 3 vụ tử vong do bạch hầu ở Bình Phước

author 18:34 14/07/2016

(VietQ.vn) - BS Khanh khuyến cáo người dân các đô thị lớn không nên quá hoang mang vì bệnh bạch hầu vì độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng nhờ chích ngừa rất cao.

Nhưng ông lưu ý người dân nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (sốt, đau họng, cổ bạnh) thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Ba ca tử vong cùng một số ca mắc bệnh bạch hầu được xác định tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) những ngày qua được giới chuyên môn xác nhận chỉ là chùm ca bệnh đơn lẽ. Ba ca tử vong gồm một trẻ (12 tuổi) và hai người lớn (18 và 24 tuổi).

BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết bạch hầu thường gặp ở trẻ từ 1 – 9 tuổi, nhưng người lớn vẫn có thể mắc bệnh nếu không có miễn dịch, vì thế không nên chủ quan.

Lý giải vì sao xảy ra chùm ca bệnh tại hai xã Thuận Phú và Thuận Lợi (huyện Đồng Phú, Bình Phước), BS Khanh cho rằng vùng này có thể là “khoảng trống chích ngừa”, khi mức độ chích ngừa bạch hầu trong cộng đồng không nhiều, khiến bệnh dễ bùng phát.

Ông nói: “Người dân hiện nay ở các đô thị lớn tuân thủ chích ngừa bạch hầu rất tốt (chích vắc xin 4 trong 1, 5 trong 1, 6 trong 1) nên người dân khó có khả năng mắc bệnh bạch hầu. Lâu rồi bệnh viện chúng tôi không ghi nhận ca bạch hầu nào nhập viện điều trị. Người dân không nên quá hoang mang”.

Trong khi đó, GS-TS-BS Nguyễn Thanh Bảo, khoa Vi sinh bệnh viện Đại học Y Dược,  cho biết bạch hầu gây ra nhiều thể bệnh, nhưng phổ biến nhất là thể viêm họng, với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, nuốt đau, xuất hiện lớp màng giả màu trắng ở vòm họng. Nếu không được điều trị kịp thời, màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp khiến người bệnh ngạt thở.

Theo BS Khanh, nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu là độc tố vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây viêm cơ tim và viêm đa thần kinh. Vì  thế bạch hầu càng được điều trị càng sớm càng tốt. Tỷ lệ biến chứng và tử vong gia tăng nếu bệnh nhận được chẩn đoán muộn, điều trị trễ.

Nhiều nghiên cứu xác nhận, nếu bệnh nhân điều trị bắt đầu khi bệnh chưa quá 3 ngày, tỷ lệ tử vong không quá 5%. Nhưng khi bệnh diễn tiến quá 3 ngày, mức độ nhiễm độc cao, tỷ lệ tử vong có thể tăng lên… 20 lần.

Giới chuyên môn cho rằng ba ca tử vong do bạch hầu tại Bình Phước là do phát hiện và điều trị trễ.

Theo BS Khanh, người lớn nếu có dấu hiệu sốt, đau họng, cổ bạnh (hạch to, sưng to vùng cổ) thì nên nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị.

Trước tình hình bùng phát bệnh bạch hầu ở Bình Phước, trong ngày hôm nay (13/7), Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có công điện khẩn đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết trước đây bệnh bạch hầu xảy ra khá phổ biến trên cả nước. Nhưng gần đây bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài ca lẻ tẻ do không chích vắc xin phòng bệnh.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân đưa trẻ tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Người dân phải hường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Vô Thường

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang