Không nên quá tiêu cực về năng suất lao động của Việt Nam

author 19:07 07/01/2016

(VietQ.vn) - Chúng ta nhìn thấy rõ năng suất lao động của Việt Nam ở một số ngành thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng cũng không nên vì thế mà quá tiêu cực về điều này.

Đây là một trong những thông tin gây chú ý tại hội thảo Đóng góp của năng suất trong phát triển kinh tế: Hệ thống và phương pháp tính được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức ngày 7/1 tại Hà Nội.

Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Lào

Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Lào là một thông tin đáng chú ý tại hội thảo

Nói về phương pháp tính tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp, PGS-TS.Tăng Văn Khiên, Viện Năng suất Việt Nam cho hay, mỗi chỉ tiêu năng suất bằng một chỉ tiêu đầu ra chia cho đầu vào. Chỉ tiêu đầu ra là kết quả sản xuất có thể tính bằng sản phẩm hiện vật hoặc bằng giá trị và ở đây cũng giới hạn ở các chỉ tiêu giá trị tăng thêm hoặc giá trị sản xuất. Chỉ tiêu đầu vào có thể biểu hiện dưới dạng chi phí hoặc dưới dạng nguồn lực và có thể chỉ tính riêng cho từng yếu tố đầu vào hoặc tổng hợp chung các yếu tố đầu vào.

Nếu xét theo tính chất của yếu tố đầu vào ta sẽ có năng suất tính theo chi phí và năng suất tính theo nguồn lực.

Xét theo phạm vi tính toán của yếu tố đầu vào sẽ có năng suất bộ và năng suất tổng hợp chung, bằng chỉ tiêu đầu ra là kết quả sản xuất chia cho tổng các yếu tố đầu vào như chi phí vật chất cộng với chi phí sử dụng lao động hoặc vốn sản xuất cộng với số lượng lao động.

PGS-TS.Tăng Văn Khiên nói: “Năng suất vốn và năng suất lao động là hai chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng riêng biệt từng loại yếu tố đầu vào tính theo nguồn lực sản xuất cơ bản nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh”.

Trong đó, năng suất vốn cố định hoặc năng suất tài sản cố định phản ánh hiệu quả sử dụng vốn cố định hoặc tài sản cố định (gọi chung là vốn cố định). Chỉ tiêu năng suất vốn cố định tăng lên nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn cố định được nâng cao và ngược lại. Tăng hiệu quả sử dụng vốn cố định cũng có nghĩa tăng thêm khối lượng sản phẩm được sản xuất ra từ một đơn vị vốn cố định hoặc giảm đi lượng vốn cố định sử dụng để sản xuất ra từ một đơn vị khối lượng sản phẩm.

Theo PGS-TS.Tăng Văn Khiên, năng suất lao động phản ánh hiệu quả sử dụng lao động sống. Tăng năng suất lao động là tăng thêm khối lượng sản phẩm sản xuất ra từ một đơn vị lao động hoặc giảm bớt lao động để sản xuất ra một đơn vị khối lượng sản phẩm. “Như vậy tăng năng suất lao động là yếu tố quan trọng để tăng khối lượng sản phẩm, rút bớt lao động sống, vừa giảm nhẹ sức lao động cho người sản xuất, vừa là cơ sở để chuyển một phần lao động từ ngành này sang ngành khác, đảm bảo từng bước phân công lại lao động xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực”, PGS-TS.Tăng Văn Khiên nói.

Về thực trạng năng suất của Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Lê Hoa, Viện Năng suất Việt Nam cho hay, hiện nay, năng suất lao động chiếm vị trí cao ở các ngành dựa vào tài nguyên thiên nhiên như ngành Khai khoáng, ngành Sản xuất, phân phối điện, khí đốt hoặc một số ngành dịch vụ như ngành Kinh doanh Bất động sản, Tài chính – ngân hàng – bảo hiểm. “Ngành khai khoáng dựa vào tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu. Tuy nhiên, những ngành mong muốn đóng góp nhiều cho GDP như nông nghiệp thì năng suất lao động lại thấp”, Thạc sĩ Nguyễn Lê Hoa nói.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Lê Hoa, các ngành kinh tế đóng góp lớn vào GDP như ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác năng suất lao động nhìn chung thấp. Nếu ngành có tỷ trọng cao mà được cải thiện năng suất lao động thì sẽ kéo được năng suất lao động xã hội lên.

Nền tảng ban đầu về năng suất lao động của Việt Nam đã thấp hơn so với các nước châu Á. Vì thế, trong giai đoạn 1982 – 2013, Việt Nam nằm trong khối nước có mức năng suất lao động thấp và trung bình. Trong nhóm nước Châu Á, dẫn đầu vẫn là Thái Lan. Riêng Trung Quốc đang năng suất đang tăng vượt bậc, đặc biệt từ năm 1990 và những năm 2000 trở lại đây. “Các nước khác như Philippin xuất phát điểm của họ cao hơn nhưng sự phát triển chậm hơn, nên có vẻ đang suy giảm. Việt Nam tăng trưởng bình bình, chưa có tăng vượt bậc. Do đó, nếu không tăng tốc Việt Nam sẽ mãi đi sau các nước đang phát triển và phát triển khác”, bà Hoa nói.

Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam đã thấp hơn Lào. Theo bà Hoa, đây là một vấn đề cần suy nghĩ và cải thiện. “Tuy nhiên, cũng không nên quá tiêu cực về con số năng suất của Việt Nam. Với tốc độ tăng như hiện nay tôi tin chắc rằng các chỉ tiêu sẽ được cải thiện hơn”, bà Hoa cho hay.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang