Không thể sớm tăng chất lượng khám chữa bệnh

author 18:40 13/11/2012

(VietQ.vn) - Về chất lượng khám chữa bệnh, bà Tiến cho rằng không thể tăng một sớm một chiều

Chiều nay (13/11), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn. Phiên chất vấn bắt đầu nóng lên với hàng loạt câu hỏi của các đại biểu quốc hội. Bộ trưởng Kim Tiến xin không theo từng câu hỏi mà trả lời theo vấn đề: 1. Giá thuốc, 2. Chuyển tuyến, 3. Viện phí, 4. BHYT, 5. Quản lý tiền chất, 6. Ban hành quy phạm pháp luật có kịp thời không và 7. Y đức.

Về giá thuốc, Bộ trưởng Kim Tiến nhận định phản ánh của ĐB về giá chênh lệch giữa kết quả đấu thầu giá thuốc giữa BV và thị trường 10-15% hoặc hơn thế là chính xác. Nguyên nhân được chỉ ra là do thuốc lòng vòng qua các tầng lớp trung gian; công ty dược bắt tay với bác sĩ kê đơn các biệt dược, thuốc không cần thiết để ăn hoa hồng.
 
Sai phạm trong mức độ vừa phải thì có kiểm tra, sai phạm lớn thì có xử lý hình sự. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do quản lý nhà nước, thông tư 10/2007 có kẽ hở: không chia thuốc theo nguồn gốc thuốc (châu Âu, Mỹ thì khác với châu Á) nên trong quá trình đấu thầu có thuốc Trung Quốc nhưng giá lại của Mỹ. Thông tư cũng không quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc kê khai. Nguyên nhân sâu xa nữa là dùng nghị định đấu thầu như trang thiết bị… trong khi thuốc là hàng hóa đặc biệt.
Bộ trưởng Kim Tiến
Bộ trưởng Kim Tiến
 
Về giải pháp thì Bộ Y tế phối hợp BHXH, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 01 thay thế thông tư 10: phân loại xuất xứ thuốc, quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá kê khai; ban hành thông tư 11 hướng dẫn hồ sơ mời thầu công khai nhất, và kê khai cả giá USD để đối chiếu tránh DN "té nước" theo giá USD, thông tư 50 về quản lý giá thuốc: giá trúng thầu phải thấp hơn giá kê khai.
 
Giá kê khai do Bộ Công thương, Y tế, Hải quan, tài chính… tham khảo giá quốc tế - giá ship (giá gốc chuyển về tới cảng) cho 17.000 loại thuốc. Các DN khi đấu thầu phải tham khảo danh mục này. Chúng tôi cũng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng thuốc Việt”- phối hợp với MTTQ để thực hiện… Ban hành thông tư về quy chế kê đơn: BS hạn chế dùng biệt dược mà phải kê tên gốc.
 
Các giải pháp này cũng chưa phải căn cơ, tận gốc mà sẽ tiếp tục thực hiện giá tối đa toàn chặng: quy định lãi suất, không thể nào vượt hơn. Luật Dược sắp tới chúng tôi muốn chuyển quản lý giá sang cơ quan khác và đề nghị thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia gồm 3 bộ Công thương, Tài chính, Y tế và BHXH… chọn giá thấp nhất và áp dụng thống nhất trong cả nước… Cả 3 biện pháp này đang xúc tiến làm, Luật thì phải chờ Quốc hội thông qua, phải tách bạch quản lý ngành với quản lý giá.
 
Về vấn đề chuyển tuyến: Bộ trưởng xác nhận bức xúc của ĐB là xác đáng, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi hết sức chia sẻ với BV tỉnh, huyện là chỉ cần chuyển 10 bệnh nhân nặng là đã hết cả quỹ rồi. Quy định vượt tuyến vẫn thanh toán 30% - làm quá tải BV tuyến TƯ, như BV Nhi đồng 1 quá tải thì có tới 40% là vượt tuyến. Chúng tôi đã làm việc với BHXH; bắt tay với nhau để cùng thắng, người hưởng lợi là bệnh nhân, sẽ điều chỉnh luật BHYT năm sau và xây dựng lộ trình BHYT toàn dân.
 
Về vấn đề tăng giá thuốc, Bộ trưởng Kim Tiến tiếp tục nhắc lại sự cần thiết phải tăng và cho rằng thông tư 04 điều chỉnh 447 giá dịch vụ là vấn đề nhạy cảm. Khi xây dựng, Bộ Y tế phải căn cứ vào Nghị quyết 46, Thông báo 37 của Bộ Chính trị… BHXH là người cầm quỹ tiền cũng phải thống nhất với việc này.
 
Bà nêu ví dụ: cắt Amidan chi 40.000 đồng, trong khi thực chi là 350.000 đồng, có gây mê là 700.000 đồng. Nếu tính như giá cũ thì bệnh nhân phải chi toàn bộ phần chênh lệch, không tăng thì bệnh nhân cũng không tha thiết tham gia BHYT… Phải tiến tới người bệnh chỉ vào BV điều trị, còn việc thanh toán thì chỉ thực hiện giữa cơ quan thanh toán là BHXH với cơ sở điều trị là BV.
 
“Với các cơ sở khám chữa bệnh, chúng tôi họp với BV từ tuyến huyện tới tuyến TƯ, nếu Bộ trưởng không thay đổi thì rất khó: mỗi lần tăng lương là đầu tôi bạc thêm một lần; BV tự ăn vào người, BV nhếch nhác… Nếu kéo dài BV công không thể tồn tại được”- Bộ trưởng Kim Tiến nói.
 
Tuy nhiên, về chất lượng khám chữa bệnh, bà Tiến cho rằng không thể tăng một sớm một chiều. 
 
Về tình trạng mất cân bằng giới tính, Bộ trưởng đánh giá tình trạng này ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, nặng nề nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng, nhẹ hơn là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc chọn không còn là chọn ở con thứ 3 mà chọn ngay từ con thứ nhất, thứ hai. Phương pháp mới có thể phát hiện giới tính thai nhi khi 2 tuần tuổi.
 
Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải nhập khẩu phụ nữ, dẫn tới tình trạng buôn bán phụ nữ. Nguyên nhân là nhiều đàn ông có tâm lý muốn có người nối dõi. Có nhiều quyết định về xử phạt nặng siêu âm để chọn giới tính. Chúng tôi đã đi 10 tỉnh có tỷ lệ giới tính tăng nhanh, đề nghị các ĐBQH cũng tham gia giám sát.
 
Về việc buôn bán tiền chất, Bộ trưởng cho biết tiền chất ấy để sản xuất Tiffy, Decolgen… nhưng có nhiều đối tượng thu gom thuốc này với số lượng lớn để sản xuất ra ma túy đá. Tháng 8.2011, 8 DN tố cáo Cục quản lý Dược cấp phép lớn hơn bình thường tiền chất PSE - thiên vị cho công ty tư nhân ở TP.HCM. Số liệu nhập gấp 4 tới 6 lần so với cùng kỳ, thanh tra Bộ vào cuộc nhưng không thấy vấn đề gì. Nhập lớn như vậy thì phải có nguyên nhân, đề nghị thanh tra chính phủ thành lập đoàn thanh tra, tháng 11.2011 đã có kết luận số 94. Trong thời gian đó, Bộ Y tế cũng không nhập PSE mà thay thế bằng chất khác. Thanh tra chính phủ có kết luận tố cáo không có cơ sở.
 
Ngày mai Bộ trưởng Y tế tiếp tục phần chất vấn.
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang