Nhiều loài mới phát hiện ven sông Mê Kông có nguy cơ tuyệt chủng

author 09:58 28/05/2015

(VietQ.vn) - Trong chuyến hành trình thám hiểm dọc con sông Mê Kông, thuộc Đông Nam Á hồi năm 2014, các nhà khoa học vừa tìm thấy 139 loài mới có nguy cơ tuyệt chủng.

Sự kiện: Thiên nhiên kỳ thú

Theo tin tức từ Tiền Phong, các nhà khoa học vừa tìm thấy 139 loài mới ở khu vực dọc sông Mê Kông, thuộc Đông Nam Á. Họ phát hiện chúng trong chuyến hành trình thám hiểm dọc con sông hồi năm 2014. Trong đó, có nhiều loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, Daily Mail đưa tin.

Chúng bao gồm 90 loài cây, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá và 1 loài dơi. Trong đó, có nhiều loài sinh vật hết sức độc đáo. Đáng chú ý là loài dơi muỗi Hypsugo dolichodon được phát hiện ở Lào và Việt Nam.

Loài dơi muỗi Hypsugo dolichodon được tìm thầy ở khu vực sông Mê Kông. Ảnh Daily Mail

Loài dơi muỗi Hypsugo dolichodon được tìm thầy ở khu vực sông Mê Kông. Ảnh Daily Mail

Đặc điểm nổi bật của giống dơi này là chiếc răng nanh dài, có thể bóc lớp vỏ cứng bao bọc cơ thể các loài côn trùng lớn. Mặc dù có bộ răng đáng sợ nhưng dơi Hypsugo đang bị đe dọa do hoạt động xây đập và khai thác đá của con người.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy ong Ampulex dementor ở Thái Lan, thức ăn khoái khẩu của chúng là lũ gián. Ong Ampulex có nọc độc và dùng thứ vũ khí này để săn mồi. Nọc độc tấn công vào hệ thần kinh và khiến con mồi mất kiểm soát.

Loài ong Ampulex dementor. Ảnh Daily Mail

Loài ong Ampulex dementor. Ảnh Daily Mail

Danh sách các loài được liệt kê trong báo cáo "Magical Mekong" của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). Các loài này được tìm thấy ở các nước nằm dọc lưu vực sông Mê Kông như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy chúng vừa được phát hiện nhưng các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều loài mới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Họ đang phải chạy đua với thời gian để tập hợp thông tin và kêu gọi bảo vệ chúng, theo Daily Mail.

Trước kia, các nhà khoa học phát hiện tại Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng năm 2012-2013 367 loài mới trong đó có Loài sóc bay khổng lồ, tắc kè bay, cá giao phối bằng đầu và một loài nhện không mắt sống trong hang. Báo cáo được WWF phát hành vào ngày "Môi trường Thế giới", giới thiệu nhiều loài không chỉ lạ mà còn đẹp.

Dơi mũi lá Griffin (Hipposideros griffini) là loài mới được phát hiện tại lưu vực sông Mê Kông trước kia

Dơi mũi lá Griffin (Hipposideros griffini) là loài mới được phát hiện tại lưu vực sông Mê Kông trước kia

Trong số 15 loài được mô tả trong báo cáo có loài sóc bay (Biswamoyopterus laoensis), được phát hiện tại một khu chợ bán thịt thú rừng tại Lào. Với bộ lông màu đỏ và trắng đặc trưng, loài sóc bay Lào khổng lồ đánh dấu sự tồn tại của một chi của họ sóc bay ở khu vực Đông Nam Á.

Tại Cam-pu-chia, một loài chim chích mới được phát hiện trong một bãi cỏ giữa thủ đô Phnom Penh. Loài chim chích Campuchia (Orthotomus chaktomuk) lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2009 trong khi thực hiện chương trình kiểm tra cúm gia cầm định kì.

Tại Việt Nam, một loài dơi có hình thù kỳ dị lần đầu tiên được trông thấy tại đảo Cát Bà năm 2008. Tuy nhiên, phải một thời gian sau, khi một nhóm các nhà nghiên cứu bắt được thêm một số cá thể, chúng mới được xác định là một loài hoàn toàn mới.

Trong số 21 loài lưỡng cư mới được ghi nhận trong báo cáo, có loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae) được phát hiện chỉ cách TP Hồ Chí Minh chưa đầy 100km. Loài ếch xanh lớn này không lọt vào tầm ngắm của các nhà sinh vật học cho đến tận bây giờ nhờ lướt giữa cách ngọn cây bằng các chi lớn và có màng; và chúng chỉ nhảy xuống để sinh sản trong các hồ nước mưa.

Ếch xanh khổng lồ biết bay (Rhacophorus helenae)

Ếch xanh khổng lồ biết bay (Rhacophorus helenae)

Trong một hang động ở Lào, Tiến sỹ Peter Jäger đã phát hiện ra một loài nhện thợ săn mới (Sinopoda scurion) và cũng là loài nhện đầu tiên trên thế giới không có mắt. Sự tiêu giản của mắt ở loài nhện này là do chúng sống hoàn toàn trong môi trường không có ánh sáng.

Từ năm 1997 đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra 2.216 loài mới ở khu vực sông Mê kông. Thế nhưng, nhiều loài đang bị đẩy đến nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Bích Phượng (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang