Khu vực đồng lòng phản đối Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

author 11:01 30/11/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc đang lộ rõ tham vọng thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông, một động thái không chỉ vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận mà còn khiến các nước càng đồng lòng trong cuộc chiến chống giấc mộng bá quyền của Bắc Kinh.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Trung Quốc đang âm mưu xây dựng khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm lên toàn bộ Biển Đông bên cạnh giấc mơ độc chiếm nguồn dầu khí Biển Đông, phục vụ cho tham vọng năng lượng của nước này.

Nhận xét về điều này, Ankit Panda, chuyên gia phân tích từ Diplomat đã bày tỏ quan điểm của ông quanh việc Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, đồng thời liệt kê những trở ngại mà Bắc Kinh sẽ gặp phải nếu ôm tham vọng làm điều tương tự với Biển Đông, trong bài phân tích với tiêu đề: "Một năm sau khi tuyên bố ADIZ, điều gì chờ đợi Trung Quốc".

Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc đưa ra trên biển Hoa Đông (màu đỏ)

Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc đưa ra trên biển Hoa Đông (màu đỏ). Ảnh Japan Ministry of Defense

Đã một năm kể từ khi Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên một khu vực rộng lớn thuộc biển Hoa Đông. Bắc Kinh đưa ra quyết định này tại thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng bởi những tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tại thời điểm hiện tại, tranh chấp vẫn chưa dứt khiến đôi bên tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ xung đột. Những câu hỏi từng được đặt ra về việc tại sao Trung Quốc lựa chọn cách thiết lập ADIZ và điều này sẽ đưa an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quan hệ Trung - Nhật tới đâu, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặt khác, nhiều nghi vấn mới lại hình thành, trong đó, liệu Trung Quốc có tiếp tục áp đặt ADIZ trên Biển Đông hay không là câu hỏi khiến giới phân tích quan tâm hơn cả.

Thời gian gần đây, Bắc Kinh gửi đi nhiều tín hiệu gây nhiễu quanh khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Một tướng quân đội cấp cao Trung Quốc từng kêu gọi thực hiện nước đi này với lý do "điều đó cần thiết cho lợi ích lâu dài của quốc gia". Trái lại, các phát biểu từ Bộ Ngoại giao lại nhấn mạnh Bắc Kinh không hề có ý định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Những tuyên bố chủ quyền phi lý hiện nay khắc họa khá rõ nét tham vọng về một mức độ kiểm soát tối đa của Bắc Kinh tại khu vực. Nếu áp đặt ADIZ, Trung Quốc sẽ phải lo lắng về vấn đề thi hành nó như thế nào dù hải quân và không quân nước này hiện được xem như lực lượng mạnh mẽ nhất trong vùng, cả về số lượng và chất lượng.

Khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, các nước như Nhật Bản và Mỹ không những phớt lờ mà còn thể hiện sự thách thức. Nhiều chuyến bay dân sự của Tokyo và các chiến đấu cơ ném bom B-52 của Washington vẫn qua lại vùng trời này mà không cần khai báo hay xin phép Bắc Kinh.

Cả khu vực sẽ sát cánh nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ trên Biển Đông

Cả khu vực sẽ sát cánh nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ trên Biển Đông. Ảnh Alamy

Nếu lập ADIZ ở Biển Đông và gặp phải những phản ứng tương tự từ Việt Nam, Philippines hay các bên liên quan, Trung Quốc sẽ chỉ phơi bày một sự thật rằng Bắc Kinh không đủ khả năng để quản lý những khu vực mà nước này tuyên bố làm chủ một cách vô lý và phi pháp. Hơn nữa, những lợi thế về pháp lý mà Trung Quốc tìm kiếm ở ADIZ tại Hoa Đông sẽ khó đạt được hơn đối với Biển Đông.

Trong khi ASEAN chưa thể thống nhất một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC),  việc tuyên bố ADIZ trong khu vực là một hành động kém khôn ngoan về chiến lược của Bắc Kinh. Nó chỉ khiến các quốc gia có liên quan trong tranh chấp chủ quyền nỗ lực hơn nữa hoặc tiến tới xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Đặt trong bối cảnh triển vọng về một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông vẫn còn rất xa vời, điều quan trọng hơn mà Bắc Kinh nên thực hiện là đưa ra lời giải thích rõ ràng về việc thiết lập ADIZ trên Hoa Đông. Lý do là bởi hành động này vấp phải rất nhiều phản đối cũng như sự hoài nghi quanh tính đúng đắn về mặt pháp lý của nó. 

Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) từng nhấn mạnh yêu cầu này trong một bản báo cáo trình Quốc hội Mỹ. Bắc Kinh tương lai vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan đến ADIZ ở Hoa Đông trong quan hệ ngoại giao song phương với những cường quốc cùng chia sẻ lợi ích tại khu vực, đặc biệt là Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng trong thời gian này, Văn phòng Quốc vụ Viện Trung Quốc vừa thông báo bản kế hoạch khai thác 9 mỏ dầu lớn ở khu vực Biển Bột Hải và Biển Đông, nhằm mục đích “bảo vệ nguồn năng lượng của Trung Quốc". Cụ thể, bản kế hoạch này nhắm đến các mỏ dầu “xa bờ”, tiếp tục duy trì các mỏ dầu hiện tại, đồng thời phát triển thêm việc khai thác các mỏ dầu trên đất liền Trung Quốc. 

Trung Quốc ngang nhiên mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc ngang nhiên mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc Biển Đông Việt Nam. Ảnh Giáo Dục

Như vậy, đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc đề xuất khai thác các mỏ dầu lớn ở Biển Đông. Dựa theo bản kế hoạch giai đoạn 2014 - 2020 của Bắc Kinh, các mỏ dầu này sẽ đủ khả năng sản xuất hơn mười ngàn tấn dầu một năm cho Trung Quốc.

Trước thông tin trên, giới quan sát nhận định, động thái tự tiện tiến hành khai thác dầu mỏ trái phép lần này của Bắc Kinh chắc chắn sẽ một lần nữa đẩy nước này vào vòng xoáy xung đột với các quốc gia láng giềng. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục va chạm với Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á xung quanh các tuyên bố xác lập lãnh thổ vô căn cứ và việc đơn phương triển khai giàn khoan, lực lượng quân sự gây phức tạp tình hình an ninh khu vực.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí xa bờ là vì ngành công nghiệp nước này đã phát triển thành công các công nghệ khoan dầu ở các vùng biển sâu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng quốc nội của Trung Quốc đang ngày một tăng nhanh cũng là nguyên nhân khiến nước này chưa bao giờ thôi nhòm ngó trữ lượng dầu khí khổng lồ trên Biển Đông và Hoa Đông.

Minh Thùy (tổng hợp từ Pháp Luật TP.HCM, Vnexpress)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang