Những tin tức mới cập nhật về tình hình khủng bố IS ngày 03/2/2016

author 14:34 03/02/2016

(VietQ.vn) - "Đường băng Mỹ chuyên dùng cho khủng bố IS"; "Phá âm mưu khủng bố của IS";... là những tin tức mới cập nhật về tình hình khủng bố IS hôm nay.

Sự kiện: Khủng bố IS

Độc chiêu "giữ chân" người dân của khủng bố IS

Hàng chục ngàn người dân Iraq mắc kẹt ở TP Falluja, thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (khủng bố IS) tự xưng, đang cạn kiệt thực phẩm và thuốc men khi lực lượng an ninh bao vây nơi đây. Quân đội Iraq và lực lượng người Shiite được Iran hậu thuẫn, cùng với sự hỗ trợ của các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã bao vây Falluja cuối năm ngoái - cách thủ đô Baghdad ở thung lũng sông Euphrates khoảng 50 km về phía Tây, theo Người Lao Động.

Những người dân bị bao vây tại TP Falluja cho biết qua điện thoại rằng một số người đã chết vì đói và thiếu thốn về y tế. Tuy nhiên, do an ninh bất ổn và phương tiện thông tin liên lạc nghèo nàn trong thành phố này nên chưa thể xác nhận được tình trạng nghiêm trọng tới mức nào.

Lực lượng người Shiite bắn rốc két nhằm vào khủng bố IS bên ngoài TP Falluja. Ảnh: Reuters

Lực lượng người Shiite bắn rốc két nhằm vào khủng bố IS bên ngoài TP Falluja. Ảnh: Reuters

Ông Sohaib al-Rawi, Thống đốc của tỉnh Anbar bao gồm TP Fallujah, kêu gọi liên minh do Mỹ dẫn đầu thả hàng viện trợ nhân đạo từ máy bay cho những người dân bị mắc kẹt trong thành phố. Ông cho rằng đây là cách duy nhất để chuyển hàng viện trợ sau khi IS cài mìn các lối vào thành phố để ngăn người dân rời khỏi đây.

Ông Falih al-Essawi, Phó Chủ tịch hội đồng tỉnh Anbar, cho hay IS đã biến Fallujah thành “trung tâm giam giữ lớn”. “Lực lượng an ninh kiểm soát hầu hết các khu vực xung quanh Fallujah. Chiến thắng này giúp giảm các cuộc tấn công của IS bên ngoài thành phố nhưng người dân mắc kẹt đang phải trả cái giá quá đắt” - ông Essawi cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu ước tính có khoảng 400 tay súng IS ở TP Falluja mặc dù các nhà phân tích cho rằng con số này gần 1.000 người. Liên minh này từng thả nước và thực phẩm cho người dân cộng đồng Yazidi bị mắc kẹt ở núi Sinjar trong năm 2014. Tuy nhiên phát ngôn viên liên minh này tại Baghdad cho rằng việc IS kiểm soát Fallujah gây khó khăn cho hoạt động tương tự bởi chưa chắc người dân sẽ nhận được hàng cứu trợ. Falluja, pháo đài lâu năm của các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni, là thành phố Iraq đầu tiên rơi vào tay IS hồi tháng 1/2014.

Hé lộ đường băng Mỹ chuyên dùng cho chiến dịch đánh khủng bố IS

Ghi nhận trên Dân Trí, vùng Hasakah ở miền Bắc Syria, gần biên giới Iraq, vốn là một vùng đất hoang vắng bị bỏ quên. Nhưng khi cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu, khu vực này lại trở thành mối quan tâm đặc biệt của Mỹ khi Lầu Năm Góc quyết định sử dụng những đường băng tại đây phục vụ chiến dịch không kích IS.

Hasakah được Mỹ lựa chọn là tiền đồn quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Khu vực này chỉ cách các vị trí tiền tuyến của IS và một số mỏ dầu mà tổ chức này kiểm soát khoảng 160km. Nơi này cũng nằm trong vùng lãnh thổ do các chiến binh người Kurd (hay còn gọi là YPG) kiểm soát.

Mỹ đã tăng gấp đôi chiều dài đường băng từ 700m lên thành 1.320m. Ảnh: BBC

Mỹ đã tăng gấp đôi chiều dài đường băng từ 700m lên thành 1.320m. Ảnh: BBC

Nhìn từ vệ tinh, đường băng ở Hasakah chỉ như một dải bê tông hoà lẫn vào đất đen. Washington đã cải tạo đường băng này, tăng gần gấp đôi chiều dài từ 700m lên thành 1.315m, đủ dài để các máy bay C130 cất và hạ cánh. Ở đây không có tháp kiểm soát, không có đèn, không có binh sĩ Mỹ mặc quân phục, tất cả những gì người ta có thể thấy là những gờ đất để đánh dấu diện tích, một hàng rào có hai người đàn ông kiểm soát. Thế nhưng an ninh tại nơi này được bảo vệ nghiêm ngặt hơn người ta tưởng. Các vụ đánh bom liều chết do các tay súng IS tiến hành rất hiếm khi xảy ra ở Hasakah.

Mỹ đã dùng chính đường băng ở Hasakah để triển khai quân tới miền Bắc Syria. Đường băng này giúp Mỹ chi viện cho lực lượng người Kurd và các bộ tộc Ả rập đồng minh. Tuy nhiên Washington khẳng định không nắm quyền kiểm soát bất kì sân bay hay khu vực nào tại Syria.

Lực lượng YPG, gồm khoảng 25.000 thành viên cả phụ nữ và đàn ông, đang dần trở thành một trong những đối tác hiệu quả nhất của Mỹ trong các chiến dịch chống IS trên bộ. Với sự hỗ trợ của các máy bay chiến đấu, YPG đã đánh bật IS ra khỏi thị trấn Kobani ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014. Hiện lực lượng này đang kiểm soát phần lớn khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn không cho IS bành trướng.

Hiện nay, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh tạm thời giữa người Kurd và các nhóm Ả rập, đang tiếp tục giành lại quyền kiểm soát nhiều mỏ dầu từ tay IS và siết chặt đường cung cấp dầu. Họ nhận được sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhờ vào “Trung tâm Điều hành chung”.

Phá tan âm mưu khủng bố câu lạc bộ tình dục của IS

Pháp vừa bắt giữ 6 kẻ Hồi giáo cực đoan, gồm 5 nam và 1 nữ, âm mưu tấn công các câu lạc bộ tình dục ở Pháp. Vietnamnet dẫn lời truyền thông Pháp, cảnh sát ở Lyon đã bắt giữ các đối tượng trên khi chúng đang thu mua vũ khí và định chuồn sang Syria. Các đối tượng đã công khai tuyên bố trung thành với IS.

Pháp vừa bắt giữ các đối tượng khủng bố IS âm mưu tấn công các câu lạc bộ tình dục ở Pháp. Ảnh Express

Pháp vừa bắt giữ các đối tượng khủng bố IS âm mưu tấn công các câu lạc bộ tình dục ở Pháp. Ảnh Express

Các nghi phạm trong độ tuổi 20-37. Nhóm người này dự định sang Syria vào tuần tới bằng cách đi qua Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng đã mua đầy đủ vé tàu. Báo giới Pháp cho hay, một trong các thành viên của nhóm trên đã bị "cực đoan hóa" trong tù. Nhà chức trách cũng đã lục soát nhà các nghi phạm nhưng không tìm thấy vũ khí.

Pháp hiện vẫn trong tình trạng khẩn cấp sau khi IS giết hại 130 người ở Paris hôm 13/11/2015. Hiện thời, Pháp có 500 câu lạc bộ tình dục. Các câu lạc bộ này từng thu hút sự chú ý của công chúng sau khi cựu chính khách Dominique Strauss-Kahn dính tới một loạt bê bối tình dục.

Bích Phượng (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang