Khung chính sách kinh tế trả lời câu hỏi Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào?

author 11:05 05/12/2018

(VietQ.vn) - Khung chính sách kinh tế Việt Nam là tài liệu liệu tổng hợp nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”.

Năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp nghiên cứu và công bố Báo cáo Việt Nam 2035. Bản báo cáo này trở thành tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tiếp nối Báo cáo Việt Nam 2035, trong thỏa thuận chung về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WB cũng như trong khung khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB đã cam kết thúc đẩy các hoạt động tham vấn, hỗ trợ chính sách, tăng cường đối thoại để tiếp tục tìm kiếm những giải pháp cụ thể thúc đẩy cải cách hơn nữa hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế đó, Diễn đàn Cải cách và Phát triển (Vietnam Reform and Development Forum, viết tắt là VRDF) lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 5/12/2018, nhằm thảo luận rộng rãi về các lĩnh vực liên quan đến cải cách và xây dựng thể chế mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển bền vững. Thay vì hoạt động đối thoại đơn thuần giữa các đối tác phát triển với Chính phủ Việt Nam như trước đây, tại VRDF, không chỉ có các đối tác phát triển mà còn đại diện khu vực tư nhân, giới học giả, nghiên cứu, truyền thông… cùng học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm phát triển.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thành quả quan trọng nhất của 30 năm “Đổi mới” là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

 Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thành quả quan trọng nhất của 30 năm đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Đến hết năm 2017, quy mô dân số đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 45 (Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) thì quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 647 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.

Bên cạnh đó, điểm nhấn của Diễn đàn chính là việc ra mắt Khung chính sách kinh tế Việt Nam - tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”. Đây là tài liệu mang tính khái quát, gửi thêm thông điệp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.

Việc xây dựng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được triển khai từ cuối năm 2017. Tiếp nối kết quả nghiên cứu của Báo cáo Việt Nam 2035 được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng Hai năm 2016; được sự đồng ý cho phép triển khai của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự phối hợp từ Chương trình Đối tác chiến lược Ốtxtrâylia và Nhóm WB, nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tổ chức nghiên cứu, cập nhật những quan điểm, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và trình bày trong ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam.

Chính sách KHCN và đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để nâng cao năng suấtTại Hội thảo Chính sách khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ và vấn đề nâng cao năng suất các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề chính sách khoa học công nghệ và đổi mới công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế các nước thành viên APO.

Phương Mai

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang