Kỉ luật, cách chức nhiều công an, dân phòng đánh nhà báo

author 12:17 26/07/2012

(VietQ.vn) - Ngày 25/7, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đã ra quyết định cách chức một phó đội trưởng, Công an huyện Văn Giang. Nhiều dân phòng tham gia hành hung nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (Đài tiếng nói Việt Nam) cũng bị kỉ luật, kiểm điểm.

Theo đó, cơ quan chức năng xác định Thượng úy Đặng Quang Hoàng (Phó đội trưởng, Công an huyện Văn Giang) và trung sĩ Vũ Tất Thành (Công an TP. Hưng Yên) cùng 3 dân phòng xã Xuân Quan là Nguyễn Xuân Biên, Lê Văn Băng và Cao Như Mác đã tham gia đánh 2 nhà báo trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang có liên quan đến dự án Ecopark.

Một lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên nói rằng, thượng úy Đặng Quang Hoàng thừa nhận đã dùng gậy cao su vụt nhà báo, còn trung sĩ  Vũ Tất Thành chưa thừa nhận trực tiếp đánh nhưng có tham gia trong  nhóm người hành hung nhà báo. Những người trên đều cho rằng động cơ đánh người là do bức xúc và không giữ được bình tĩnh.
 
Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên
Thiếu tướng Trần Huy Ngạn - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên nói sự việc hành hung nhà báo xảy ra ngoài ý muốn
 
Công an tỉnh Hưng Yên đã có quyết định cách chức phó đội trưởng của thượng úy Đặng Quang Hoàng và kiểm điểm nghiêm khắc tổ công tác chốt 3 (nơi xảy ra vụ hành hung 2 nhà báo).
 
Nói về động thái trên của cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho rằng, vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự. Song ông đề nghị xử lý những người liên quan ở mức kỷ luật cao nhất. 
 
Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam, Thiếu tướng Trần Huy Ngạn - Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng việc hai nhà báo của VOV bị hành hung, bắt giữ là xảy ra ngoài ý muốn và đáng tiếc. Ông mong được lãnh đạo Đài tiếng nói và hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long hết sức thông cảm.
 
Bình luận về vụ việc, Luật sư Trần Đình Triển (Đoàn LS Hà Nội) nói, rằng trong trường hợp hai nhà báo không đi giám định tỉ lệ thương tích, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án để điều tra hành vi "Chống người thi hành công vụ". Luật sư Triển cho rằng, chống người thi hành công vụ là tội cấu thành về hình thức cho nên hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc, chỉ cần ngăn cản người làm nhiệm vụ đã cấu thành tội đó.
 
Ông Lê Cao - Chuyên gia pháp lý Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) nói rằng, không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Không chỉ nhà báo, mà bất kỳ công dân nào cũng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đó là những quyền nhân thân cơ bản được quy định rõ trong Bộ Luật dân sự 2005.
 
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, trong 2 năm gần đây, cả nước đã xảy ra 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp. Trong số này chỉ có 4 vụ được khởi tố, 1 vụ có khởi tố và có tin xét xử. Đặc biệt, từ đầu năm 2010, tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp tăng cao, diễn biến phức tạp.
 
Phùng Nguyễn
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang