Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, bảo quản nông sản

author 19:06 22/09/2017

(VietQ.vn) - Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản, thức ăn chăn nuôi.

Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình nông thôn mới. Đồng thời nhân rộng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm xen kẽ khu vực dân cư; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường; kiểm tra, xử lý kịp thời hoạt động vận chuyển, tiêu thụ trái phép các loài được ưu tiên bảo vệ, các loài cấm khai thác, săn bắn.

Bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp, đặc biệt là bảo tồn và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi là đặc sản của Hà Nội. Bên cạnh đó, cần cải tạo, làm giàu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững; xây dựng các khu rừng đặc dụng, phòng hộ đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái, các hoạt động dịch vụ và các nguồn hưởng lợi từ rừng góp phần ổn định và nâng cao đời sống người làm nghề rừng.

Thiết lập hành lang bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước mặt trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Tập trung triển khai các dự án ưu tiên về tiêu thoát nước, bổ cập nguồn cấp nước và cải thiện môi trường liên quan đến sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy đã được UBND Thành phố giao theo đúng tiến độ được duyệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: VietnamPlus 

Tăng cường công tác tuyên truyền đối với người sản xuất, người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn.

Kiểm soát chặt chẽ  việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản, thức ăn chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản và  thủy sản.

Trong một diễn biến có liên quan trước đó, thông tin tại buổi giao báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/9, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Định, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, phân bổ theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; và một số loại hình khác.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở làng nghề của Hà Nội đang ở tình trạng báo động. Hoạt động sản xuất tai các làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, thế nhưng, tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp.

Đối với hoạt động xử lý nước thải, có đến 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp, kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.

Với thực trạng trên, Sở TN&MT Hà Nội đã xây dựng đề án với nhiều nhóm giải pháp. Đơn cử như nhóm giải pháp về tài chính, đảm bảo phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề của Thủ đô.

Ông Định cho biết, nguồn vốn của đề án này được xác định không quá 10% thuộc ngân sách, định hướng xây dựng cơ chế và ưu tiên thu hút các dự án triển khai theo mô hình BO, BOO, BOT, PPP, FDI, Xã hội hóa đầu từ 90%.

Phong Lâm

Kiểm soát đặc biệt cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao(VietQ.vn) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang